Mục tiêu được Mỹ và đồng minh đưa ra khi đưa quân vào Iraq ngày 20/3/2003 là "tìm kiếm và phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt" cũng như lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Nhưng khi không tìm thấy vũ khí hủy diệt nào, họ chuyển sang mục tiêu khác, tuyên bố sẽ xây dựng Iraq thành một "nền dân chủ mới", nơi người dân được hưởng nhiều quyền tự do cùng mức sống cải thiện đáng kể.
Lính Mỹ tuần tra ở Tikrit, Iraq năm 2010. Ảnh: Hải quân Mỹ
Tuy nhiên, 20 năm sau, những gì Mỹ và các đồng minh đạt được ở Iraq không như kỳ vọng, trong khi cái giá phải trả quá đắt, theo giới chuyên gia. Cơ quan Thống kê Thương vong Iraq ước tính khoảng 200.000 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến ở nước này.
Hamzeh Hadad, chuyên gia Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho hay khi lật đổ Saddam Hussein dưới sự hậu thuẫn của Mỹ năm 2003, nhiều người Iraq đã kỳ vọng rất lớn vào cuộc sống tốt đẹp hơn, yên bình hơn.
Nhưng sau những thắng lợi chóng vánh của Mỹ, vẫn có rất nhiều người Iraq tiếp tục thiệt mạng trong các cuộc giao tranh phe phái cũng như cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tiếp sau cuộc chiến của Mỹ là những xung đột phe phái, bạo lực triền miên, khiến Iraq hầu như "không có thời gian để thở".
"Iraq chỉ thực sự tái thiết đất nước khoảng 4-5 năm trước, sau khi IS bị đánh bại. Nhưng khi quá trình tái thiết mới bắt đầu, chúng tôi lại hứng chịu đại dịch Covid-19", Hadad cho hay.
Dù vậy, một vài chỉ số cho thấy Iraq đang tiến bộ hơn 20 năm trước. Về dân chủ, từ năm 2003, Iraq đã tổ chức 6 cuộc bầu cử, trải qua 8 chính phủ và 7 đời thủ tướng.
Năm 2003, Chỉ số Con người (HII) của Iraq là 0,579, tuổi thọ trung bình là 65,9. Bây giờ, Iraq có HII 0,686, còn tuổi thọ trung bình tăng lên 70,4.
HII là chỉ số do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đề ra để đánh giá thành tựu trung bình của một quốc gia ở ba khía cạnh cơ bản về phát triển con người, gồm cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài, tri thức, cùng mức sống.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, GDP bình quân đầu người của Iraq năm 2003 là 855 USD. Năm 2021, con số này tăng lên 4.686 USD.
Luay al-Khatteeb, cựu bộ trưởng điện lực Iraq từ 2018 đến 2020, cho hay công suất điện của nước này đã tăng 10 lần kể từ năm 2003, sản lượng dầu tăng gần gấp ba lần.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định những thước đo này không thể hiện bức tranh hoàn chỉnh về Iraq và những thách thức lớn mà quốc gia này vẫn phải đối mặt trong 20 năm qua.
"Dân chủ, bầu cử tự do, chủ nghĩa liên bang và kinh tế thị trường, tất cả những điều này là thay đổi cơ bản xảy ra tại Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ", Al-Khatteeb nói.
Feisal Amin Rasoul al-Istrabadi, cựu quan chức ngoại giao Iraq, nhận định điều đáng mừng là cuộc bầu cử nào ở Iraq cũng diễn ra đúng thời gian, không bị trì hoãn và nhiều bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình kiểm phiếu.
Tuy nhiên, Freedom House, tổ chức có trụ sở tại Washington chuyên đánh giá mức độ tự do của các nước, năm 2023 phân loại Iraq vào quốc gia không tự do.
"Iraq tổ chức bầu cử thường xuyên, có tính cạnh tranh. Các nhóm đảng phái, tôn giáo và dân tộc đều có đại diện trong hệ thống chính trị", trích báo cáo của Freedom House. "Tuy nhiên, việc quản trị nền dân chủ thực tế bị cản trở bởi nạn tham nhũng, lực lượng phiến quân hoạt động ngoài vòng pháp luật và sự yếu kém của bộ máy nhà nước".
Cửa hàng bán đồ đồng trong chợ Souk al-Safafeer ở Mosul, Iraq, ngày 11/2. Ảnh: Reuters
Istrabadi cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất với nền dân chủ Iraq là trong 20 năm qua, các phe phái chính trị chưa bao giờ chuyển từ suy nghĩ mình là phe đối lập với chế độ Saddam Hussein sang tư duy thực sự dám chịu trách nhiệm điều hành.
"Tất cả là sự hỗn tạp. Các chính trị gia chưa bao giờ có chung mục tiêu, tầm nhìn về nhà nước Iraq và chương trình nghị sự của họ chủ yếu mang tính cá nhân hơn là chiến lược lớn cho cả quốc gia", ông nói.
"Tôi cho rằng vào năm 2003, các chính trị gia được Mỹ hậu thuẫn ở Iraq không hình dung được đất nước sẽ thế nào trong 10-20 năm tới. Một tầng lớp chính trị gia yếu kém được đưa lên nắm quyền và rất khó để đánh bật".
Trong khi đó, các nhóm phiến quân tiếp tục gây ra nhiều rắc rối và bất ổn, khiến nhiều người Iraq hoài niệm về giai đoạn ổn định dưới thời Saddam Hussein.
"Người Iraq nhớ về thời kỳ Saddam Hussein, không phải vì yêu mến ông ấy, mà vì họ đều biết rằng kẻ thù chung chính là ông ấy", Zainab Saleh, phó giáo sư nhân chủng học Đại học Haverford, nói. "Thật trớ trêu là thời kỳ đó ổn định hơn, khi các phe nhóm không thể gây bạo lực. Còn sau năm 2003, họ không biết bạo lực đến từ đâu: phiến quân, al-Qaeda, IS, hay quân đội Mỹ".
Saleh cho biết một số người từng mất người thân trong tù thời Saddam Hussein thừa nhận giai đoạn đó "tươi đẹp và yên bình hơn".
Về kinh tế, Istrabadi nhận định 20 năm sau cuộc chiến, một số người Iraq đã trở nên "giàu tới mức khó tin", nhưng không phải nhờ các hoạt động kinh tế minh bạch hay bình đẳng.
"Phần lớn những người trở nên giàu có như vậy đều có quan hệ cực kỳ thân thiết với giới chính trị. Đây là một kiểu chủ nghĩa tư bản cướp bóc trá hình trái ngược với thị trường tự do được điều tiết mà trong đó ai cũng có cơ hội như nhau", ông nói.
Al-Khattee cho rằng dù khu vực kinh tế tư nhân của Iraq đã lớn hơn so với năm 2003, nhưng vẫn "cực kỳ hạn chế".
"Lý do chính là các đảng phái đang vận hành những công ty tư nhân như vậy để tranh giành miếng bánh từ ngân sách công, vốn được phân bổ theo hạn ngạch chính trị", ông nói.
Hàng triệu người Iraq mong được vào làm công chức nhà nước, khiến khu vực công phình to, nhưng chính phủ nước này không đủ khả năng trả lương cho bộ máy quá lớn. "Với tốc độ này, Iraq sẽ không thể phát triển bền vững", Al-Khatteeb lo ngại.
"Thực tế là chính quyền không đầu tư và không phát triển cơ sở hạ tầng, cũng không có kế hoạch cho đất nước sau khi khai thác hết tài nguyên dầu khí. Chúng tôi vẫn đốt bỏ thay vì khai thác nguồn tài nguyên khí đốt", ông cho hay.
Năm 2019, các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra dưới thời Thủ tướng Adel Abdul Mahdi. Người biểu tình yêu cầu cải cách hệ thống chính trị mà họ cho là tham nhũng nghiêm trọng, đẩy người dân Iraq rơi vào cảnh nghèo đói.
Khách du lịch ngồi thuyền xem đầm lầy Chibayish ở Nasiriyah, phía Nam Iraq, ngày 3/2. Ảnh: AP
Hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong phong trào biểu tình, điều hiếm xảy ra dưới thời Saddam Hussein. Saleh nhận định các cuộc biểu tình như vậy châm ngòi bạo lực và chết chóc, nhưng cũng thắp lên hy vọng về tương lai Iraq.
"Người biểu tình lên án hệ thống chính trị bè phái, tham nhũng, thiếu các dịch vụ cơ bản và tỷ lệ thất nghiệp cao", Saleh nói. Theo ông, họ là những người trẻ, mong muốn Iraq trở thành một đất nước thực sự, thay vì tiếp tục hứng chịu hậu quả lâu dài về chính trị, kinh tế từ cuộc chiến mà Mỹ đã phát động 20 năm trước.