Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung Quốc là không thể tránh khỏi?

Thứ ba, 11/08/2020, 11:08
Từ góc nhìn lịch sử và thực tiễn hiện nay, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc dường như là tất yếu. Hai nước còn có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt trận. Hai siêu cường này đang đấu tranh với nhau quyết liệt trong cả lĩnh vực kinh tế và công nghệ, và gần như mọi thứ khác như đại dịch Covid-19, Biển Đông, Đài Loan, hay Tân Cương.

Việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong càng thúc đẩy thái độ cứng rắn ở những nhân vật cứng rắn thuộc hai nước.

chien tranh lanh my-trung quoc la khong the tranh khoi? hinh 1

Đồ họa minh họa về “Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung Quốc”. Nguồn: Forexlive.

Trong bối cảnh đó, cuộc họp kín mới đây giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Trợ lý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Dương Khiết Trì, được cho là mang lại ít kết quả cho việc hóa giải căng thẳng giữa đôi bên.

Tình trạng thù địch gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington cũng khiến cho nhiều nước còn lại trên thế giới bị phân cực.

Giai đoạn nguy hiểm sắp tới trong quan hệ Mỹ-Trung

Graham Allison, giáo sư chuyên ngành chính quyền tại Đại học Havard (Mỹ), cho rằng: “Thời gian còn lại của năm 2020 có thể là giai đoạn nguy hiểm đối với quan hệ Mỹ-Trung tương tự như 5 tháng cuối năm 1941 đối với quan hệ Mỹ-Nhật”.

Allison nói, vụ không kích bất ngờ do Nhật Bản thực hiện nhằm vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, khiến Mỹ bị lôi kéo vào Thế chiến 2, là nằm ngoài sự tưởng tượng của Mỹ lúc đó, vì “một nước có diện tích chưa bằng 1/4 diện tích của nước Mỹ lại dám cả gan tấn công cường quốc mạnh nhất thế giới lúc đó”.

Trong khi đó, Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định: “Trung Quốc xem virus SARS-CoV-2 như một cơ hội để khai thác các điểm yếu của Mỹ, và Trung Quốc có thể không cầm lòng trước khả năng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua vũ lực. Tôi nghĩ rằng có khả năng thực sự là Bắc Kinh sẽ tính toán nhầm khi cho rằng Mỹ không thể và sẽ không phản ứng bằng biện pháp quân sự”.

Bản thân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng thừa nhận rằng Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với thách thức tồi tệ nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được điều chỉnh theo hướng dân tộc chủ nghĩa, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về “tinh thần chiến đấu” trong giới ngoại giao Trung Quốc để đáp lại cái mà Trung Quốc coi là sự bắt nạt và thù địch từ phía Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Từ góc nhìn Bắc Kinh, các thách thức của họ là các cuộc va chạm với hải quân Mỹ khi hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay khả năng Mỹ chính thức công nhận chính quyền Đài Loan.

Gal Luft, đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu ở Washington, cho rằng Mỹ đã ở trong chế độ kiềm chế đầy đủ đối với Trung Quốc khi quan hệ giữa hai bên đi qua điểm không thể quay đầu lại.

Trung Quốc khó có thể trỗi dậy theo cách hòa bình?

Trong nhiều thập kỷ, giới lãnh đạo chính trị và các nhà chiến lược Mỹ đã thường xuyên bị chia rẽ giữa việc tương tác với Trung Quốc để thúc đẩy sự thịnh vượng của nước này, với việc kiềm chế sự trỗi dậy của nó, khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang cơ thay thế Liên Xô trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Chính sách của Mỹ về Trung Quốc trong các năm qua chủ yếu bị chi phối bởi nỗi sợ về sự trỗi dậy của một thế lực lớn mới ở khối lục địa Á-Âu và một trục liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow.

Trong một văn bản chính sách nói về cách tiếp cận chiến lược của Tổng thống Mỹ Trump đối với Trung Quốc, được Nhà Trắng công bố hồi tháng 5/2020, Washington đã chính thức thừa nhận sự thất bại của chính sách của họ đối với Trung Quốc trong 40 năm đầu tiên của quan hệ song phương. Khi đó Mỹ tìm cách thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc thông qua hoạt động mở cửa thị trường.

Các thế hệ lãnh đạo của Mỹ, bao gồm các đời Tổng thống, đã liên tục tranh cãi về câu hỏi liệu Trung Quốc có trỗi dậy hòa bình được hay không?

Chuyên gia đối ngoại hàng đầu (đã quá cố) của Mỹ, Zbigniew Brzezinski, cho biết giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cũng bị ám ảnh về những câu hỏi tương tự.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, nổi tiếng với sách lược cho Mỹ mở cửa với Trung Quốc vào thập niên 1970 nhằm cô lập Liên Xô, thì nay cũng bi quan về tương lai quan hệ Trung-Mỹ.

Ông Kissinger xem Trung Quốc như đối thủ chiến lược duy nhất của Mỹ hiện nay. Năm 2019, ông cảnh báo rằng một cuộc xung đột quân sự “không giới hạn” giữa hai nước sẽ tệ hại hơn các cuộc thế chiến trước đây.

Đối với cả Kissinger và Allison, chủ trương của Chủ tịch Tập Cận Bình về cải cách quân sự trong các năm gần đây theo hướng xây dựng một đội quân có năng lực tác chiến và giành chiến thắng, là một bằng chứng rõ nét nữa về việc Trung Quốc đang chuẩn bị cho một xung đột vũ trang với kịch bản xấu nhất.

Cách đây hai năm, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger nhận định: “Từ góc nhìn lịch sử, Trung Quốc và Mỹ rất khó tránh được xung đột với nhau”.

Trong khi đó, theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, quân đội Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được một cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả.

Theo VOV.VN

Các tin cũ hơn