Sau những nỗ lực cải cách, Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình và đạt mức 3.590 USD/người vào năm 2021 (theo Ngân hàng Thế giới), song để có thể tiếp tục phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030, Việt Nam cần phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp.
Đây cũng là nội dung chính của buổi tọa đàm đối thoại chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030,” do Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, ngày 1/3.
Bộc lộ nhiều hạn chế
Giáo sư, tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước nghèo có thu nhập bình quân khoảng 200 USD/người (những năm 1990) lên mức như hiện nay.
Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, sự vận hành của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Trên thực tế, Nhà nước còn chi phối khá nhiều vào cơ chế giá thị trường (như giá xăng dầu, giá điện, giá vé máy bay, giá y tế...).
Sự chi phối này cho thấy những bất cập khá nghiêm trọng, điển hình như tình trạng thiếu hụt xăng dầu diễn ra gần đây. Hay như, hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước báo lỗ, trong đó phải kể đến Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực… liên tục công bố về tình trạng thua lỗ nặng nề. Các bệnh viện công rơi vào tình trạng thu không đủ chi là phổ biến, thêm vào đó là sự thiếu hụt về thuốc men, trang thiết bị y tế… Những điều này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Xu thế toàn cầu đang phát triển kinh tế số như “vũ bão,” song cơ chế chính sách trong nước lại không theo kịp, thiếu vắng khung thể chế bảo vệ các loại tài sản mới (như tiền kỹ thuật số...).
Ngoài những vấn đề trên, tiến sỹ Phạm Hồng Chương nhấn mạnh nhiều loại thị trường hiện đại cũng chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hoá phái sinh... Mặt khác, khu vực doanh nghiệp nhà nước còn lớn, khi mà tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp này luôn bị chững lại trong những năm qua.
Vấn đề này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản, hệ thống các văn bản pháp luật chồng chéo, khiến cho việc kinh doanh của doanh nghiệp luôn có nguy cơ vi phạm pháp luật. Hơn nữa, các cán bộ nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ cũng có thể mắc vào các vi phạm pháp luật nếu họ hiểu sai, hiểu không chính xác “rừng” quy định. Dẫn đến, các hiện tượng chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính có cả nguyên nhân chủ quan-khách quan và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Ví dụ như trường hợp của các doanh nghiệp bất động sản, rất nhiều dự án hiện nay không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý, bị treo nhiều năm và không được giải quyết,” ông Phạm Hồng Chương nói.
Đổi mới thể chế là cấp thiết
Trước mục tiêu Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, giới chuyên môn thúc giục việc đổi mới thể chế kinh tế đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tiến sỹ Phạm Hồng Chương cho biết kinh nghiệm của thế giới, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình (trong thập niên 1960) chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008.
“Thực tiễn này cho thấy để biến ước vọng thành hiện thực, Việt Nam cần phải tiếp tục ‘con đường’ đã chứng tỏ mang lại thành công trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế,’ ông Chương nói.
Nhìn nhận thực trạng, ông Chương chỉ ra những chương trình chi tiêu khổng lồ trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hầu hết các nước trên thế giới phải đối mặt với sức ép lạm phát chưa từng thấy kể từ thập niên 1980 trở lại đây. Và, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới cũng bị ảnh hưởng.
Kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công sẽ mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính là cải cách thể chế kinh tế mới là “chìa khoá.”
Cụ thể là giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế. Những điều này đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế mạnh (như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức thấp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất-nhập khẩu liên tục năm sau cao hơn năm trước…).
Trên cơ sở đó, ông Chương cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những “điểm nghẽn” quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ và xem đó là “chìa khoá” để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong-ngoài nước. Đây cũng là thời điểm cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức và bất ổn.
Tiến sỹ Fred McMahon, trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser, Canada cho rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia tương đối nghèo và đây lại là một “lợi thế”. Ông phân tích điều này giúp Việt Nam sẽ dễ dàng hơn để bắt kịp các nền kinh tế hiện đại, nhờ thúc đẩy các cải tiến và cơ chế mới với chi phí thấp, tiền công thấp mà vẫn lôi kéo được đầu tư.
Theo ông, “đòn bẩy” cho hạ tầng kinh tế sẽ giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Lợi thế khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 6% trong vòng 10 năm qua, trong khi các quốc gia giàu hơn sẽ tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, các quốc gia khác (như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng "mờ nhạt" dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế.
“Tự do kinh tế sẽ tạo động lực vượt bẫy thu nhập trung bình, do đó để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn,” ông Fred McMahon nói.