"Chúng tôi sẽ mang công nghệ ADN tốt nhất, tiên tiến nhất đến Việt Nam, giúp các cơ quan y tế và giám định tại Việt Nam khai thác công nghệ để khớp với những mẫu ADN mà chúng ta phát hiện, với hy vọng giúp người dân Việt Nam tìm được con em mình đã hy sinh trong chiến tranh", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết hôm nay.
Phát biểu được ông Knapper đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí của Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power, sau khi bà có chuyến thăm Việt Nam một tuần.
Đại sứ Knapper nói rằng Washington hết sức quan tâm đến lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích, nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực phối hợp với Việt Nam để giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh.
Đại sứ Knapper gặp gỡ báo chí tại Hà Nội hồi tháng 10/2022. Ảnh: Vũ Anh.
Ngoài chia sẻ công nghệ, ông Knapper cho rằng Mỹ cần hỗ trợ chính phủ Việt Nam và các nhà nghiên cứu tiếp cận nguồn dữ liệu được Mỹ phát triển, cho phép khai thác thông tin để xác định hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh. "Đây là quá trình tốn rất nhiều thời gian, nhưng là lĩnh vực mà chính phủ Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) có cam kết hết sức mạnh mẽ", ông cho hay.
Tổng giám đốc USAID Samatha Power cho biết Mỹ có thể áp dụng những kinh nghiệm tích lũy ở Bosnia và một số quốc gia châu Phi vào nỗ lực phân tích ADN và tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
"Tôi thấy được triển vọng về quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam. USAID sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước mà chúng ta đều rất trân trọng", bà Power nói.
Tổng giám đốc USAID Samantha Power trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội chiều 10/3. Ảnh: Vũ Anh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, bà Power chiều 10/3 gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị USAID tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.
Gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bà Power cho biết USAID sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh, gồm tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, nâng cao năng lực giám định ADN cho các nhà khoa học Việt Nam để tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt quân nhân Việt Nam, cải thiện dịch vụ y tế và xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tổng giám đốc USAID cùng Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và Đại sứ Knapper hôm 8/3 dự lễ bàn giao 30.000m2 đất đã xử lý sạch dioxin ở phía Tây Nam sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho Bộ Quốc phòng. Khu vực chiếm khoảng 4% diện tích toàn dự án và sẽ được dùng làm công viên.
Mỹ cũng tài trợ thêm 73 triệu USD làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hòa, ký hợp đồng với công ty môi trường của Mỹ để thiết kế, xây dựng và vận hành khu xử lý đất và trầm tích ô nhiễm dioxin. Dự án tại sân bay Biên Hòa có quy mô gấp gần 4 lần so với dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, đã hoàn thành vào năm 2018.