Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc và Mỹ tưởng chừng đã đạt nhất trí về nỗ lực hàn gắn ngoại giao sau thời gian dài quan hệ song phương nguội lạnh. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khi đó đã lên kế hoạch thăm Bắc Kinh, nhằm xây dựng một khuôn khổ khả thi cho các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nước và ổn định quan hệ song phương sau nhiều năm căng thẳng.
Nhưng thông tin về một khí cầu giám sát bị nghi là của Trung Quốc bay qua bầu trời Bắc Mỹ suốt nhiều ngày hồi đầu tháng hai lại phủ bóng đen mới lên mối quan hệ. Chuyến công du của ông Blinken lập tức bị hoãn và từ đó đến nay, hai nước ngày càng lún sâu vào vòng xoáy đối đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Tần Cương trong hai ngày đầu tuần liên tiếp cáo buộc Washington "kiềm tỏa" Bắc Kinh phát triển và tạo ra vực thẳm trong quan hệ song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, tháng 11/2022. Ảnh: Reuters.
"Mọi thứ phía bên kia làm đều bị coi là tiêu cực và được thực hiện với ý đồ xấu. Đó là tâm lý Chiến tranh Lạnh", Suisheng Zhao, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Denver, Mỹ, nhận xét.
Chủ tịch Tập ngày 6/3 đưa ra bình luận được cho quyết liệt nhất từ trước tới nay, khi tuyên bố rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với hành vi "ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện" dưới bàn tay của các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn dắt.
Một ngày sau, Ngoại trưởng Tần Cương tiếp tục lặp lại quan điểm trên, đồng thời cảnh báo rằng nếu Mỹ không thay đổi chính sách, "chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu".
Khi được yêu cầu bình luận về những thông điệp cứng rắn từ Bắc Kinh, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định chính sách của chính quyền Biden không thay đổi, và Washington muốn cạnh tranh với Bắc Kinh chứ không phải xung đột.
"Không có điều gì trong cách tiếp cận của chúng tôi với mối quan hệ này khiến mọi người nghĩ rằng chúng tôi muốn xung đột", ông Kirby nói. "Chúng tôi hoàn toàn muốn giữ nó ở mức độ cạnh tranh".
Tuy nhiên, loạt biến cố gần đây trong quan hệ Mỹ - Trung đã cho thấy thách thức to lớn trong nỗ lực kiềm chế căng thẳng. Chính quyền Biden vẫn tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được phát động từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, tăng cường kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, đồng thời tìm cách xây dựng liên minh đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Bắc Kinh trong khi đó không ngừng cải thiện quan hệ với Moskva, từ chối lên án Nga trong cuộc xung đột Ukraine và tăng cường các hành động quân sự xung quanh đảo Đài Loan. Trung Quốc năm ngoái cũng cắt đứt nhiều kênh đối thoại quan trọng với Mỹ, kể cả các kênh trao đổi quân sự.
Michael Auslin, nhà sử học tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, đánh giá những bình luận mới nhất cho thấy Chủ tịch Tập dường như muốn truyền đi thông điệp rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã "đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu" nhưng Bắc Kinh "sẽ không lùi bước trước thách thức".
Trong sự cố khí cầu, Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng đây là một thiết bị quan trắc thời tiết vô hại. Tổng thống Biden đã ra lệnh cho tiêm kích bắn hạ vật thể mà họ mô tả là thiết bị do thám, trong khi Trung Quốc cho rằng phản ứng này là "thái quá" và ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương.
Trong cuộc họp báo ngày 7/3, Ngoại trưởng Tần Cương cho rằng khi nhìn nhận Trung Quốc như đối thủ chính và là mối thách thức địa chính trị nghiêm trọng nhất, Mỹ đang thể hiện nhận thức "rất sai lầm".
"Cái gọi là cạnh tranh Mỹ - Trung trên thực tế chỉ là hoạt động đàn áp, kiềm chế toàn diện, một trò chơi mà kẻ thắng được tất", ông Tần nói. "Như một vận động viên điền kinh gian lận, Mỹ không muốn nỗ lực hết mình, mà chỉ chăm chăm ngáng đường đối thủ".
Theo giới phân tích, đằng sau những chỉ trích qua lại giữa đôi bên là mối quan ngại sâu sắc ở cả Mỹ và Trung Quốc trước nguy cơ hai nước đang trên quỹ đạo hướng tới một cuộc xung đột thực sự trong tương lai.
Quyết định hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken đã khiến hai nước mất đi cơ hội tốt để thảo luận biện pháp hạ nhiệt căng thẳng. Hai bên từng kỳ vọng chuyến thăm sẽ giúp mở lại các kênh liên lạc đã bị thu hẹp dưới thời chính quyền Trump và sau đó gần như sụp đổ trong đại dịch Covid-19 cũng như căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan.
Thay vào đó, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm châu Âu và không ngừng chỉ trích Mỹ tại mỗi điểm dừng chân. Washington phản ứng bằng cách bác bỏ đề xuất 12 điểm của Bắc Kinh kêu gọi đàm phán để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Ngoại trưởng Blinken cũng công khai cảnh báo Bắc Kinh, nói rằng Mỹ có thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga trong xung đột Ukraine. Trung Quốc đã liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Chuyên gia Auslin cho rằng hầu hết những tuyên bố cứng rắn từ cả Trung Quốc và Mỹ đều chủ yếu hướng tới dư luận trong nước.
Trung Quốc đang tổ chức họp quốc hội, nơi các đại biểu sẽ xem xét chính sách lớn của đất nước, cũng như bầu ra các vị trí hàng đầu sau Đại hội 20.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng đứng trước áp lực ngày càng lớn của phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện về thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Tuần trước, những phiên điều trần căng thẳng tại Hạ viện đã buộc Nhà Trắng phải tập trung cho hàng loạt vấn đề, từ thắt chặt kiểm soát hoạt động chuyển chất bán dẫn cho các công ty Trung Quốc và cấm TikTok, đến trừng phạt Bắc Kinh vì xuất khẩu hóa chất sang Mexico. Quốc hội Mỹ còn chuẩn bị gây áp lực lên các tập đoàn nước này đầu tư vào Trung Quốc.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 7/3 đăng xã luận cho rằng các dự luật, biện pháp hạn chế nhắm vào Trung Quốc mà Mỹ đang thảo luận cho thấy cuộc canh tranh của Mỹ trên thực tế là "trò chơi chèn ép, phá hoại môi trường cạnh tranh hòa bình và đe dọa ổn định kinh tế thế giới".
Giới quan sát cho rằng những tranh cãi hiện nay chỉ khiến bầu không khí thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, cản trở các cơ hội hợp tác giữa hai nước, như chính sách cấp thị thực cho các nhà báo hay nghiên cứu chung về phòng chống ung thư.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 7/3. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Blinken đã thông báo với Trung Quốc rằng chuyến thăm Bắc Kinh của ông sẽ được lên lịch trở lại khi điều kiện cho phép.
Nhưng Zhao, nhà nghiên cứu từ Đại học Denver, cho rằng nếu chuyến thăm của ông Blinken được nối lại, nó sẽ không thể đạt được kết quả nào đáng kể ngoài khả năng nối lại một số kênh đối thoại mà Trung Quốc đã hủy sau khi bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan trên cương vị chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi năm ngoái.
Daniel Russel, phó chủ tịch phụ trách an ninh quốc tế và ngoại giao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, trụ sở tại New York, cho rằng Mỹ cần có những tiếp xúc trực tiếp để tìm hiểu bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc sau kỳ họp quốc hội tuần này. "Nếu họ chờ đợi quá lâu, thêm nhiều vấn đề sẽ phát sinh", ông lưu ý.