Mức giảm chưa được công bố chính thức nhưng được dự đoán là khá sâu ở mức 1%. Theo các chuyên gia, thông tin mà họ có được là cơ quan điều hành sẽ thực hiện việc điều chỉnh mặt bằng lãi suất thông qua các lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; trong khi trần lãi suất huy động hiện nay đối với các kỳ hạn ngắn vẫn giữ nguyên.
Động thái giảm lãi suất của NHNN lần này hoàn toàn không bất ngờ vì trong suốt một tuần qua, các ngân hàng thương mại đã liên tiếp hạ lãi suất huy động và cho vay.
Đầu tuần này, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo giảm mạnh lãi suất huy động VND, tạo điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng, lãi suất của Vietcombank đã thấp hơn nhiều so với mức trần quy định 7,5%/năm, phổ biến từ 6 - 6,8%/năm.
Ngay sau Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư (BIDV) cũng tuyên bố giảm mạnh lãi suất huy động VND, áp dụng chỉ 6 - 6,5%/năm các kỳ hạn ngắn; các kỳ hạn dài chỉ 8%/năm. Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng nhập cuộc khi cùng giảm lãi suất huy động lẫn cho vay VND.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết cũng đã quyết định giảm mạnh lãi suất huy động VND xuống dưới trần quy định ở các kỳ hạn ngắn; các kỳ hạn dài cũng chỉ còn 8%/năm. Không những thế, Agribank sẽ thực hiện giảm lãi suất cho toàn bộ các khoản vay cũ. Các khoản vay mới là ngắn hạn áp quanh 10%/năm, trung dài hạn khoảng 12%/năm;riêng các khoản vay cũ đang có lãi suất cao hơn 13%/năm sẽ đồng loạt rút về tối đa 13%/năm.
Với việc điều chỉnh lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động trực tiếp tới nguồn đầu vào của các ngân hàng và từ đó tạo điều kiện để hỗ trợ nguồn vốn tốt hơn, chi phí có thể dễ chịu hơn để họ có thêm cơ sở tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Nếu trần huy động VND được giữ nguyên, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bằng các lãi suất điều hành, thì các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh rõ ràng hơn về lãi suất huy động.
Theo VietnamNet