Đầu năm nay, khi tạo cơ chế đặc biệt cho tạm xuất vàng miếng các thương hiệu để tái nhập nguyên liệu, rút ngắn quá trình chuyển đổi thành vàng SJC, Ngân hàng Nhà nước cho biết số vàng các ngân hàng cần phải trả cho dân trước 30/6 vào khoảng 10 tấn.
Sau vài phiên đấu thầu bán ra, trong một phát biểu không chính thức, đại diện Ngân hàng Nhà nước bổ sung: 10 tấn nói trên chưa tính dư nợ của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB). Ngân hàng này đang được hưởng một số chế độ đặc thù sau khi hợp nhất từ 3 ngân hàng ốm yếu trước đây (Ngân hàng cổ phần Sài Gòn cũ, Đệ Nhất và Tín Nghĩa).
Theo báo cáo hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, đến cuối tháng 3, tổng nguồn vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 1,630 triệu lượng. Trong đó tiền gửi bằng vàng của khách gần 665.000 lượng, tương đương hơn 25 tấn vàng.
Câu chuyện tất toán vàng và số lượng vàng còn lại cần phải trả cho dân thu hút sự chú ý của cả những người không mấy khi quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng. Bởi Ngân hàng Nhà nước coi hoạt động huy động, cho vay và kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài của các ngân hàng là kẽ hở cho hoạt động đầu cơ, tạo sóng. Cơ quan này cũng hy vọng khi các ngân hàng đoạn tuyệt với những hoạt động rủi ro đó, nhu cầu về vàng sẽ giảm đáng kể, thị trường sẽ cân bằng hơn, giá trong nước sẽ không còn chênh tới 5-6 triệu đồng so với thế giới như hiện nay.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây cũng cho rằng việc các ngân hàng duy trì trạng thái vàng rất lớn trước đây từng dẫn tới tình trạng đầu cơ, làm giá và góp một phần "công sức" làm kho dự trữ ngoại tệ của Việt Nam suy giảm tới một phần ba. Nếu Ngân hàng Nhà nước không khóa các nghiệp vụ huy động, cho vay và kinh doanh tài khoản, theo ông, không chỉ một vài đơn vị lỗ vài trăm, vài nghìn tỷ đồng, mà cả hệ thống ngân hàng có thể bị đẩy tới bờ vực thẳm.
"Chỉ một ngân hàng thương mại có uy tín ra tay xử lý tất toán, tài sản của riêng họ đã giảm trên 30%. Các ngân hàng khác cũng như vậy thì cả hệ thống sẽ thế nào. Nếu không ngăn kịp thời, toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ bị đẩy đến tình huống có thể mất tất cả nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và thậm chí khủng hoảng", ông Nghĩa nói.
Nhiều nhà băng nếm trái đắng khi phải trả hết số vàng huy động của dân trước đây. |
Báo cáo tài chính năm 2012 của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, hầu hết đơn vị nào có nghiệp vụ kinh doanh vàng đều lỗ, ít thì vài chục tỷ, nhiều tới cả nghìn tỷ đồng. Nặng nhất trong số này là Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB), với số lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng.
ACB là ngân hàng đầu tiên và cũng là lớn nhất công bố thoát nợ vàng vị đầu tiên, ACB cũng đóng trạng thái và dứt hoàn toàn nghiệp vụ huy động vàng. Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn lý giải với cổ đông lỗ vì phải đóng trạng thái theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước khi chênh lệch giá trong nước và thế giới quá cao.
Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho biết, trong năm 2012, nhà băng này thuộc nhóm 5 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cung ứng mấy chục tấn vàng (từ nguồn huy động tồn quỹ) để ổn định giá vàng. Bán ra ở mức giá 42 triệu đồng nhưng cuối năm phải mua vào với giá 43 triệu đồng để cân đối trạng thái theo quy định nên bị lỗ hơn 200 tỷ đồng.
Hiện Eximbank vẫn còn dư nợ huy động vàng "đeo bám" dù hạn chót để tất toán trạng thái chỉ hơn một tháng nữa. Eximbank cũng còn gần một tấn cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay cần phải thu hồi.
Tương tự, Sacombank, DongA Bank... một thời được xem là các "đại gia" mạnh về hoạt động kinh doanh vàng, nay cũng căng mình để tìm cách giải quyết dứt điểm với mối "ân tình vàng". Hạn chót tất toán đang đến gần nhưng dư nợ huy động vẫn còn đó.
Không phải nhà băng nào cũng mạnh tiền để có thể dễ dàng mua vàng đấu thầu tất toán trạng thái. |
Cách nhanh nhất hiện nay để có vàng tất toán là mua từ các phiên đấu thầu. Tuy nhiên, không phải đơn vị ng nào cũng có nhiều tiền để tham gia với bất chấp giá cao. Ngoài ra, có thể mua gom trên thị trường, nhưng giá cũng không mềm hơn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cuối tuần trước cho biết số vàng cần tất toán trong toàn hệ thống còn 20 tấn, sau khi các ngân hàng đã chủ động mua từ thị trường 60 tấn trong nửa cuối năm ngoái. Số liệu này được công bố khi 13 phiên đấu thầu đã được tổ chức, với lượng bán ra hơn 14 tấn mà phần lớn là do các ngân hàng mua.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết hiện nay cả nước còn 11 tổ chức tín dụng còn vướng nợ vàng. Ông hy vọng việc tất toán sẽ đúng thời hạn 30/6.
Tuy nhiên một chuyên gia tài chính cho rằng không ai có thể khẳng định các ngân hàng đã hoàn toàn chán và sợ vàng. Gần hai tháng còn lại trước thời hạn phải trả hết cho dân là thời gian quá sít sao để dồn dập chi hàng triệu đôla mua vàng đóng trạng thái, song cũng đủ dài để những ai say men lợi nhuận vẫn có thể chớp cơ hội lướt sóng.
Trần tình trước đại hội cổ đông vừa diễn ra, Tổng giám đốc ACB cho rằng 1.700 tỷ đồng lỗ do tất toán chẳng thấm vào đâu so với lãi thu được từ nghiệp vụ vàng những năm trước đây. Trong năm 2010, 2011 và 8 tháng đầu năm 2012, ACB đã chuyển đổi vàng sang tiền đồng cho vay, tổng lãi hơn 2.381 tỷ đồng.
Nhiều lần trao đổi với PV trước đây, lãnh đạo cấp cao của ACB vẫn tỏ ra tiếc nuối. Một mặt chấp nhận đóng trạng thái sớm theo yêu cầu, mặt khác các vị này cho rằng nếu vẫn được phép kinh doanh, ngân hàng tự biết làm thế nào để quản trị rủi ro và thu lợi nhuận cho mình.
Từ hai tuần nay, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo thanh tra các doanh nghiệp và ngân hàng để nắm rõ tình hình sử dụng số vàng trúng thầu tại các đơn vị này. Một ngân hàng nào đó chưa tất toán xong mà cả gan đem vàng trúng thầu đi kinh doanh kiếm lời có thể là chuyện tày đình mà đoàn thanh tra khó bỏ qua.
Theo VnExpress