Sự thận trọng khó mang lại kết quả kinh doanh đột biến, nhưng lại giúp Ngân hàng phát triển an toàn và ổn định. Các chỉ số tài chính của DongA Bank đều cho thấy sự tăng trưởng khá đều đặn qua mỗi năm và làm hài lòng phần lớn khách hàng, đối tác và cổ đông. Tuy nhiên, kết quả này dường như khó thu hút các cổ đông, nhà đầu tư theo trường phái đầu tư lướt sóng, muốn đánh nhanh, thắng nhanh.
Theo ông Bình, Ngân hàng đang theo đuổi chiến lược “chậm mà chắc” trong một lĩnh vực mà ông cho rằng khá nhạy cảm và rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế biến động như vừa qua.
Khách hàng luôn hài lòng khi đến giao dịch và sử dụng các dịch vụ của DongA Bank. |
Trên thực tế, trong giai đoạn từ năm 2011-2012, trong khi DongA Bank tăng trưởng về nhiều mặt, từ tổng tài sản, vốn điều lệ, lợi nhuận trước thuế cho đến vốn huy động, dư nợ tín dụng thì ngành ngân hàng nhìn chung đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Nếu bỏ qua các vụ lình xình liên quan đến sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng khiến bức tranh ngành này bị phủ lên những gam màu tối thì ngay cả năng lực hoạt động kinh doanh của ngành cũng giảm sút.
Có thể thấy tổng phương tiện thanh toán dù tăng 22,4%, nhưng dư nợ chỉ tăng 8,91%, mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động và cho vay có giảm đi, nhưng mức độ cạnh tranh về lãi suất và huy động vẫn rất cao do thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ bị mất ổn định. Tổng tài sản toàn ngành chỉ tăng 2,54%, trong đó khối ngân hàng thương mại cổ phần bị giảm 4,45% so với năm 2011.
Điều đáng lưu ý là lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sụt giảm gần 50% so với năm 2011 và phần lớn các ngân hàng đều đối mặt với lợi nhuận giảm hoặc không đạt như kỳ vọng. Ngay cả các ngân hàng trong “top” đầu cũng không ngoại lệ.
Sự trượt dốc của ngành này cũng thể hiện sức khỏe chung của nền kinh tế, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trưởng 5,03% (mức thấp nhất kể từ sau năm 1999), bội chi ngân sách lên đến 4,8% GDP và hơn 55.000 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngưng hoạt động.
Mô hình phát triển của DongA Bank không khác với mô hình cơ bản của ngân hàng là huy động vốn và sử dụng vốn. Tuy nhiên, xuyên suốt giai đoạn khủng hoảng kinh tế, trong khi canh bạc bất động sản và vàng khiến một số ngân hàng nếm phải trái đắng nợ xấu thì ông Bình cùng các đồng sự vẫn nỗ lực duy trì nợ xấu ở mức trung bình 1,5% với các hoạt động cho vay tập trung trong những lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế.
Song song đó, các hoạt động làm mới thương hiệu, liên tục triển khai các sản phẩm mới đã giúp ngân hàng này tăng trưởng huy động vốn bền vững trong suốt giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Đó là chưa kể đến các hoạt động dịch vụ và thu phí như ATM, kiều hối (vốn là thế mạnh lâu nay của DongA Bank), môi giới tư vấn đầu tư chứng khoán cũng tăng hơn 13%, góp phần đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu ổn định của ngân hàng này.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây, ông Bình tỏ ra lo ngại về việc kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
“Dù ngân hàng phụ thuộc nhiều vào chính sách, nhưng chúng tôi không ngồi đó chờ đợi chính sách”, ông nói. DongA Bank với sự lãnh đạo của vị Tổng Giám đốc này đang nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng mô hình kinh doanh mới, kiểm soát nợ xấu, nâng cao các nguồn thu phí, quản lý chi phí hiệu quả.
Ở một khía cạnh nào đó, khi cơn say bất động sản đã qua, các ngân hàng phải trở về với hoạt động cốt lõi, tạo nên một thế trận cạnh tranh mới. “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục triển khai chiến lược cho vay đúng đắn để đảm bảo an toàn mà vẫn giúp Ngân hàng phát triển”, ông nói.
Ông cho biết thêm DongA Bank sẽ tập trung hơn nữa vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính theo chuỗi cung ứng ngành.
Trong chặng đường phát triển sắp tới, các ngân hàng sẽ đi vào quỹ đạo chung của những xu hướng mạnh, trong đó có xu hướng hợp tác, mua bán - sáp nhập (M&A), khi các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng bước vào cuộc chơi mới.
Cách đây 1 năm, DongA Bank từng đề cập đến việc tìm kiếm một ngân hàng quốc tế để thực hiện M&A. Tuy nhiên, quan điểm của DongA Bank là thực hiện chiến lược này một cách thận trọng. “Chúng tôi vẫn chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác phù hợp nhưng sẽ chỉ bắt tay thực hiện việc hợp tác khi phân tích cho thấy phép cộng này đạt được sự cộng hưởng 1+1>2”, ông Bình nói.
Lịch sử phát triển của DongA Bank cho thấy ngân hàng này đã hợp tác với nhiều định chế tài chính lớn như IFC, Standard Chartered, Deutsche Bank, JP Morgan, ADB dưới hình thức tài trợ thương mại hoặc nguồn vốn giá rẻ cho khách hàng của Ngân hàng.
Theo NCĐT