Cảnh giác với lừa đảo, kích động bạo lực 'mùa dịch'

Thứ bảy, 31/07/2021, 09:04
Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình để lừa đảo, kích động bạo lực… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch COVID-19, nhiều nơi trên cả nước phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Trong khi chính quyền và nhân dân cả nước đang căng mình chống dịch thì các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch vẫn tiếp tục xảy ra. Ngoài các vi phạm phổ biến như không đeo khẩu trang, không tuân thủ 5K, ra ngoài khi không cần thiết, khai báo y tế gian dối, tung tin giả, gom hàng đầu cơ, nhiều hình thức vi phạm khác cũng gia tăng.

Những hành vi xấu xí “mùa dịch”

Ngày 28-7, lãnh đạo UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Văn B. (31 tuổi, trú Bắc Giang; hiện đang thuê căn hộ ở chung cư Home City, 177 Trung Kính, phường Yên Hòa) vì có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Cảnh giác với lừa đảo, kích động bạo lực 'mùa dịch' - ảnh 1

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp người dân ra đường không cần thiết sau 18 giờ. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Cụ thể, khoảng 10 giờ 30 ngày 27-7, ông B. cùng hai nam thanh niên khác bước vào thang máy của tòa chung cư Home City. Lúc này, ông B. không đeo khẩu trang mà cầm trên tay. Đáng chê trách, trong lúc đứng trong thang máy, ông B. liên tục khạc nhổ nước bọt xuống sàn. Người này còn dùng khẩu trang cầm trên tay đưa lên lau miệng rồi treo lên lọ nước rửa tay sát khuẩn trong thang máy.

Toàn bộ hành vi của ông B. bị camera an ninh ghi lại, khiến nhiều người dân ở khu chung cư và dư luận vô cùng bức xúc. Ông B. bị phạt 4 triệu đồng cho hai lỗi vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định và không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ngoài việc xử phạt, cơ quan chức năng còn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với ông B. Trong trường hợp người này dương tính sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.

Còn tại TP.HCM, ngày 29-7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM cho biết vừa phối hợp với Công an TP.Thủ Đức kiểm tra, tạm giữ Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ phường Tam Phú, TP.Thủ Đức).

Phụng bị tạm giữ để làm rõ, xử lý hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh đăng tải các thông tin cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, dược phẩm, tổ chức dịch vụ tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiều 28-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, lãnh đạo TP.HCM cho biết có việc số đông bà con, khoảng 300 người đi xe máy về quê ở các tỉnh ĐBSCL nhưng bị kẹt tại quốc lộ 1, đoạn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và tỉnh Long An chiều tối 27-7.

Do yêu cầu của công tác phòng chống dịch, những người này bị dồn ứ tại chốt kiểm soát dịch. Sau đó, lực lượng chức năng tỉnh Long An và TP.HCM đã phối hợp đưa họ về quê.

Điều đáng nói là nhiều người có thái độ kích động, chửi thề, rú ga, bóp còi xe inh ỏi, “đòi thông chốt”, thậm chí có những lời lẽ không hay, có ý định chống đối lực lượng chức năng dù đã được giải thích rõ ràng.

Cần hết sức kiềm chế!

Theo ThS - luật sư Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 được biểu hiện ở nhiều hình thái, mức độ khác nhau.

Có những hành vi rất đáng lên án vì sự cố ý gây tổn hại đến sức khỏe của cộng đồng và thách thức sự nghiêm minh của pháp luật. Ví dụ như hành vi khạc nhổ trong thang máy, không đeo khẩu trang, bôi chất dịch hầu họng lên thang máy của chung cư... Điều này có thể làm lây lan dịch bệnh nghiêm trọng vì thang máy của chung cư là môi trường kín, nhiều người sử dụng.

“Hành vi không đeo khẩu trang, vứt khẩu trang không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117/2020. Trường hợp các hành vi này làm lây lan dịch bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, mức phạt cao nhất có thể đến 12 năm tù” - ThS - luật sư Sơn nêu quan điểm.

Cạnh đó, ThS - luật sư Sơn cho rằng trước hết cần nhìn nhận việc người dân rời TP.HCM trở về quê nhà trên các phương tiện cá nhân vì nhiều lý do. Điều này cũng hết sức chính đáng. Người dân về quê thì mặt tích cực sẽ góp phần giảm tải cho TP nhưng nếu không tuân thủ các biện pháp an toàn cũng có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Quá trình di chuyển không tránh khỏi những vấn đề bất cập, chính quyền các tỉnh nơi đồng bào đi qua có thể gặp lúng túng trong việc xử lý, giải quyết tình trạng này. Một mặt, những người thi hành công vụ phải tuân theo quy định về giãn cách xã hội, một mặt phải bảo đảm cho người dân được trở về nhà một cách trật tự.

“Áp lực dành cho những tỉnh đang có ca nhiễm ngày càng tăng và là cửa ngõ như Long An là rất lớn. Chính quyền buộc phải thắt chặt quy định, quá trình xử lý có thể dẫn đến va chạm khó tránh.

Do vậy, nếu người dân bị chặn lại chốt, không di chuyển được thì hãy tự kiềm chế, vì cái chung, đặt sức khỏe, tính mạng của cộng đồng là trên hết; tránh va chạm, chống đối lực lượng chức năng hay kích động bạo lực. Đây là điều tuyệt đối tránh để không bị vướng vào lao lý bởi các tội hình sự tương ứng. Điều cần làm là nên liên hệ chính quyền địa phương, các đoàn thể để có hướng giải quyết đúng đắn” - ThS - luật sư Sơn chia sẻ.

Sức khỏe, tính mạng con người là trên hết 

Hiện nay, Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường đã quy định người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết. Nhu cầu về quê của một bộ phận người dân nhằm ổn định cuộc sống do bị mất việc, không có tiền để trả tiền thuê phòng trọ, không có tiền mua thức ăn… là có thật và chính đáng.

Tuy nhiên, việc chốt chặn ở các cửa ngõ để rà soát, kiểm tra, ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng là vô cùng quan trọng bởi sức khỏe, tính mạng con người là trên hết.

Người dân nên hết sức bình tĩnh, liên hệ với chính quyền địa phương, các đoàn thể để được hỗ trợ nếu gặp khó khăn trong sinh hoạt, di chuyển. Thực tế như vụ việc ở Long An, 300 người về quê bằng xe máy đã được chính quyền các địa phương phối hợp, đưa về nhà an toàn.

Do đó, hãy vì lợi ích chung của cộng đồng, mọi người cùng nhau chia sẻ, đồng lòng, chấp hành tốt các quy định, thực hiện nghiêm 5K để cuộc sống mau chóng trở lại trạng thái bình thường mới.

Phía cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra, tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có việc phát hiện và xử lý các vi phạm trên không gian mạng để lừa đảo.

PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG,
Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Theo PLO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích