Ông Trịnh Văn Khoa, nguyên cán bộ Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) là người gửi đơn tố cáo một số cán bộ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ vụ bắt 25 người sử dụng ma túy trong quán karaoke vào ngày 13/11/2020.
Sau khi ông Khoa có đơn tố cáo, VKSND Tối cao đã vào cuộc, khởi tố, bắt giam 4 cán bộ thuộc Đội Điều tra tổng hợp, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng.
Ngày 17/5, đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận Đồ Sơn cũng đã xin nghỉ việc với lý do... để chữa bệnh.
Sau khi VKSND Tối cao vào cuộc, khởi tố, bắt giam 4 cán bộ công an quận Đồ Sơn, ông Trịnh Văn Khoa nhận được "mưa khen" từ dư luận về lòng dũng cảm, chính trực. PV nhiều lần liên hệ để phỏng vấn song ông Khoa đều từ chối vì "không muốn lên báo chí nhiều, mọi người lại nghĩ tôi này nọ".
Ngày 17/5, thông qua một người bạn của ông Khoa động viên, giải thích, cựu thiếu tá Công an quận Đồ Sơn đã chịu mở lời chia sẻ với PV báo Nông nghiệp Việt Nam từ đầu đến cuối vụ án "xưa nay hiếm" đang gây rúng động xã hội này.
Ông Trịnh Văn Khoa chia sẻ về những góc khuất vụ án dẫn đến 4 cán bộ Công an quận Đồ Sơn bị bắt. |
Ông Khoa cho biết ông về công tác tại Công an quận Đồ Sơn từ tháng 3/2017, thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Tháng 5/2018, ông được điều động sang Đội điều tra tổng hợp.
Trong quá trình công tác tại Công an quận Đồ Sơn, ông Khoa nhận thấy có nhiều cán bộ chiến sĩ "tâm tư" về cách xử lý của lãnh đạo công an quận, như: chỉ tiêu thực hiện, chế độ chính sách, tiền nghỉ dưỡng, nghỉ phép, tiền trực chốt của "anh em"…
"Những tiền đó hầu như lính tráng không có hoặc "được" rất ít với lý do được giải thích là chuyển vào quỹ của đơn vị, mà mục đích là phục vụ chính cho ban lãnh đạo", ông Khoa thẳng thắn nói.
Ngoài ra, theo ông Khoa, hàng tháng, hàng quý, "anh em" đều được giao chỉ tiêu thực hiện các vụ án. Nhưng khi bắt được vụ việc, lãnh đạo lại không xử lý để thực hiện chỉ tiêu mà cho liên hệ với người thân để "làm án", thả các nghi phạm ra. Điều này khiến nhiều cán bộ chiến sĩ rất bức xúc.
Từ những bất cập, áp lực trong công việc, ông Khoa luôn trăn trở nghĩ rằng nếu mình không làm gì đó khác thì bản thân và nhiều "anh em" sẽ không bao giờ biết đến những chế độ chính sách mà đáng ra mình được hưởng. Từ đó, ông Khoa luôn để ý những vụ án có dấu hiệu sai phạm của công an quận, đồng thời thu thập các bằng chứng, chứng cứ nhằm một ngày đưa ra ánh sáng.
Lúc 1h ngày 13/11/2020, thiếu tá Khoa nhận được điện thoại của một số đồng chí trong Đội điều tra tổng hợp, nói là đồng chí Đỗ Hữu Dũng (khi đó là Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - PV) đã báo cáo lãnh đạo xin tăng cường cho đội để kiểm tra quán karaoke Hải Sơn 86 ở phường Hợp Đức, Đồ Sơn bởi anh em trinh sát được có rất nhiều người khả nghi tụ tập.
Sau khi nhận được điện thoại, ông Khoa đi xe máy lên Công an phường Hợp Đức, hơn chục chiến sĩ khác cũng đang ở đó. Quá trình trinh sát, lực lượng nhận định trong quán hát có dấu hiệu của "bay lắc" nên quyết định "đột kích" vào trong. Khi vào phòng VIP 5 có 17 người đang quay cuồng lắc lư trong tiếng nhạc mạnh, đèn mờ.
"Tôi rút súng, yêu cầu họ tắt nhạc, bật điện lên để lực lượng chức năng kiểm tra. Quá trình kiểm tra, phát hiện trên nền nhà và các bàn uống nước có những viên màu xanh, màu hồng nghi là ma túy tổng hợp. Ngoài ra, nền nhà và mặt bàn có túi nylon chứa bột màu trắng và đĩa sứ, thẻ cào điện thoại, nghi là ketamin và tờ tiền đã quấn tròn, nghi là dụng cụ để hít. Còn ở khu vực lễ tân, phòng khách có 11 người nữa, tổng cộng 28 người.
Sau khi kiểm tra, lập biên bản cho chủ quán ký vào, đến 5h sáng, đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Đội phó Đội điều tra tổng hợp được điều đến để tăng cường, trực tiếp tiếp cận vụ việc. Tôi đã bàn giao toàn bộ tang vật, biên bản cho đồng chí Cường, khi đó là chỉ huy trực tiếp của tôi quản lý, đồng thời báo cáo lãnh đạo xin xe để đưa tất cả các nghi phạm về quận", ông Khoa nhớ lại.
Về đến công an quận, lúc đó khoảng 6h, công an quận tăng cường thêm cán bộ Đội cảnh sát hình sự, Đội giao thông và Công an phường Hợp Đức để tổ chức canh giữ và lấy lời khai theo trình tự. Bản thân ông Khoa được giao lấy lời khai 2 người, trước đó đã được test nhanh về ma túy bằng que thử, kết quả cho thấy 25/28 người dương tính với ma túy, từ heroin đến ma túy tổng hợp.
Ông Khoa cho biết đến khoảng 16h cùng ngày, đồng chí Nguyễn Hữu Cường lên chỉ đạo dừng việc lấy lời khai để đồng chí gặp riêng từng người, sau đó cho họ gọi điện về nhà. Lúc sau, ông Khoa thấy nhiều người lạ ra vào cơ quan công an quận gặp riêng đồng chí Cường và đồng chí Quang (Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận - PV). Tầm 20h, lần lượt họ được thả về, người cuối cùng về là 22h30, coi như xong việc.
"Hai ngày hôm sau, tức thứ 2 (15/11/2020), đồng chí Cường có mang một tờ giấy về, ghi số tiền được lãnh đạo cho từ vụ việc đấy là 30 triệu và cho biết sếp Quang chỉ đạo cho 15 triệu vào quỹ của đội, còn 15 triệu mấy người trong đội chia nhau.
Tuy nhiên, các anh em trong đội không nhận riêng mà nói cho hết số tiền 15 triệu vào quỹ của đội vì quỹ không còn, chỉ duy nhất đồng chí Cường cầm 6 triệu. Đến tối cùng ngày, đồng chí Cường gọi tôi và 3 anh em nữa phụ trách trinh sát vào phòng nói riêng, bảo cho thêm mỗi người 2,5 triệu, tổng là 10 triệu. Nhưng, 4 anh em đều không ai nhận rồi đi về. Sau đó tôi xin nghỉ phép. Hết 18 ngày phép, tôi làm đơn xin ra khỏi ngành gửi đồng chí Trần Tiến Quang, Trưởng công an quận. Đồng chí Quang hỏi lý do, tôi nói muốn tìm công việc khác phù hợp hơn, việc xin xuất ngũ là tự nguyện không ai ép buộc. Trình bày xong, ông Quang bảo cho tôi nghỉ nốt 7 ngày phép để suy nghĩ", ông Khoa kể.
Ngày 12/1, ông Khoa quyết định soạn hai đơn tố cáo, một đơn gửi Thanh tra Bộ Công an còn một đơn ông trực tiếp mang đến VKSND Tối cao, vào Cục 1, Phòng 6. Ông Khoa làm việc với Viện Kiểm sát trong 3 ngày, cung cấp toàn bộ bằng chứng vi phạm của công an về vụ án rồi trở về quê. Đến 15/1, thiếu tá Trịnh Văn Khoa chính thức nhận quyết định xuất ngũ do Giám đốc Công an TP.Hải Phòng ký.
Ngày 20/1, chỉ chưa đầy một tuần sau khi ông Khoa tố cáo, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã bắt giữ người đầu tiên là thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội phó Đội điều tra tổng hợp Công an quận Đồ Sơn.
Sau khi Viện Kiểm sát vào cuộc, bắt giữ một cán bộ công an, ông Khoa cho biết bản thân ông không chịu sức ép, đe dọa nào từ đơn vị cũ và các đồng nghiệp cũ, bởi họ biết ông là con người thế nào, không sợ gì cả.
"Nhưng họ có xin gặp riêng, đưa ra lời đề nghị, nếu tôi chịu rút hai cái đơn về tôi sẽ được rất nhiều tỷ đồng. Nhưng đến giờ phút này, tiền không quan trọng, danh dự mới là quan trọng. Nếu tôi nhận tiền của họ, thì ngày mai, có khi toàn bộ nhân viên dịch vụ ở khu du lịch Đồ Sơn phải làm việc cật lực để bù lại chỗ đó, vậy khác nào tôi gánh nghiệp của tôi. Tôi bảo đồng chí đừng nói thêm gì nữa, vui vẻ đi về đi", ông Khoa thẳng thắn kể lại cuộc ngã giá bất thành từ những người trực tiếp liên quan đến vụ việc.
Tầm 4 tháng sau, ngày 11/5, tại trụ sở Công an quận Đồ Sơn, Cơ quan điều tra - VKSND Tối cao tiếp tục khởi tố bị can, tạm giam đối với 3 cán bộ khác của Công an quận Đồ Sơn, gồm: trung tá Đinh Đình Việt (Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy), thượng úy Đỗ Hữu Dũng (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) và thượng úy Nguyễn Viết Công (Cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội). Các cán bộ công an này bị khởi tố, bắt tạm giam do đã có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ bắt giữ nhóm bay lắc tại quán karaoke Hải Sơn 86 (phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn).
Quá trình gửi đơn cho Thanh tra Bộ Công an và VKSND Tối cao, cho đến khi Cục Điều tra của Viện vào cuộc, khởi tố, bắt giam 4 công an quận Đồ Sơn; ông Khoa cho biết đã phần nhiều giải tỏa được những bức xúc dồn nén bao năm. Bây giờ, ông rất tin tưởng luật pháp nghiêm minh, những hành vi sai trái của những cán bộ thoái hóa sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui, trả giá.
"Nhiều đêm tôi mất ngủ trăn trở, thâm tâm không hề muốn anh em đồng đội của mình vướng vòng lao lý vì họ cũng như mình, có vợ con, bố mẹ. Nhưng nếu không làm sẽ là thiệt thòi với nhiều cán bộ chiến sĩ đang hết mình vì công việc, người dân bị giảm niềm tin vào lực lượng công an nhân dân. Còn nhiều người hỏi tôi có mong muốn quay lại ngành không, tôi xin nói luôn là cuộc sống của tôi hiện tại tuy không dư giả nhưng khá thoải mái", ông Trịnh Văn Khoa bày tỏ.