Liên quan đến vụ bệnh nhân biến phòng bệnh thành phòng "bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đến ngày 1/4, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố các đối tượng gồm: Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi), Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, có 5 tiền án về ma túy), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, có 2 tiền án), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, có 3 tiền án về ma túy) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi). Ngoài ra, cơ quan công an cũng khởi tố thêm Nguyễn Anh Vũ, là cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I về tội "Không tố giác tội phạm".
Chia sẻ với PV về vụ việc này, luật sư Đỗ Thành Hưng (VPLS Trung Hoà, Hà Nội) cho rằng, hành vi của Quý có dấu hiệu của các tội "Mua bán trái phép chất ma túy", "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Những tiền án, tiền sự của Quý cũng có thể trở thành tình tiết định khung hình phạt cho các tội danh hoặc trở thành tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho Quý, luật sư Hưng cho biết thêm.
Một vấn đề mà rất nhiều người quan tâm trong vụ việc này là hiện nay l Quý đang điều trị bệnh tâm thần, liệu Quý có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Luật sư Hưng phân tích: “Theo quy định của pháp luật, bệnh nhân tâm thần có rất nhiều dạng, hay nói cách khác là mức độ bị bệnh khác nhau.
Không phải cứ là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng khi tại thời điểm người thực hiện hành vi do mắc bệnh về tâm thần, dẫn đến không thể kiểm soát, làm chủ hành vi.
Cũng có nhiều trường hợp, người có mắc bệnh và đang điều trị bệnh tâm thần, nhưng khi thực hiện hành vi thì họ lại không phát bệnh, tức là họ làm chủ được hành vi của mình.
Đối với trường hợp của Quý cũng vậy, cần phải xác định rằng, khi thực hiện hành vi nêu trên, Quý trong trại thái tinh thần tỉnh táo, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình nên Quý vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phân tích những hành vi của đối tượng Quý trong trường hợp này, có thể thấy rằng Quý khá tỉnh táo, nhận thức và làm chủ hành vi tốt, điều này có thể là do quá trình điều trị đạt hiệu quả từ trước đó, hoặc cũng có thể việc vào trại tâm thần để điều trị của Quý chỉ là tấm màn che cho các dự định phạm tội này".
Nghi phạm Nguyễn Xuân Quý và tang vật.
"Thật bất ngờ và khó tin khi trong bệnh viện tâm thần, những người được cho là không thể hiểu thời thế sự đời, không hiểu đúng sai bởi vì họ đã mắc bệnh và phải điều trị thì lại có trường hợp phạm tội có chủ đích và còn có thể nói là tinh vi; hay bác sĩ, cán bộ trong bệnh viện lại cùng tham gia vi phạm với bệnh nhân", luật sư bày tỏ.
Còn nói về trách nhiệm của Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 1, luật sư Hưng nhấn mạnh: “Để hành vi này diễn ra thì không thể không xét đến trách nhiệm của cán bộ, y - bác sỹ và hơn hết là trách nhiệm quản lý của bệnh viện. Giám đốc bệnh viện là người đại diện theo pháp luật của bệnh viện, người có thẩm quyền ký kết các văn bản với những nội dung đại diện cho bệnh viện; hay nói cách khác, Giám đốc bệnh viện là người có quyền lực cao nhất ở bệnh viện. Bệnh viện do Giám đốc quản lý và chịu trách nhiệm toàn bộ. Do đó, trong sự việc này, ngoài trách nhiệm của đối tượng Quý và những người liên quan thì Giám đốc bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm".