Theo China Daily, các tập đoàn lớn tại Trung Quốc như Tencent, Alibaba nhận được chỉ đạo về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba. Bài đăng trên Weibo cho thấy giới chức nước này lo ngại chatbot có thể hỗ trợ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch vì lợi ích địa chính trị.
Ngoài cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng thông báo các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI của OpenAI.
Sau khi quy định mới được công bố, Tencent cho biết đã cấm các bên cung cấp ChatGPT và dịch vụ liên quan tại Trung Quốc. Theo Gizmochina, Tencent thậm chí có thể đã cấm cả dịch vụ có chút tương đồng với chatbot nổi tiếng để tránh nguy cơ mắc lỗi.
Một phản hồi bằng tiếng Trung của ChatGPT. Ảnh: Reuters
Không xuất hiện chính thức nhưng ChatGPT cũng trở thành cơn sốt tại Trung Quốc thời gian qua. Nhiều người sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để truy cập dịch vụ qua nền tảng web. Một số nhà phát triển tại đây cũng ra mắt ứng dụng kết nối để sử dụng API từ ChatGPT và rất phổ biến trên WeChat.
Trung Quốc cũng đang theo sát việc phát triển các ứng dụng tương tự từ các tập đoàn lớn như Alibaba và Baidu. Tuần trước, đại học Phúc Đán ở Thượng Hải ra mắt chatbot MOSS để thử nghiệm công khai. Baidu cũng sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ phiên bản ứng dụng kiểu ChatGPT có tên Ernie Bot vào tháng ba. Trong khi đó, chatbot của JD dự kiến có tên là ChatJD.
Các công ty công nghệ Trung Quốc được cho là đã đảm bảo với chính phủ rằng ứng dụng của họ sẽ không liên quan ChatGPT. Dịch vụ được cung cấp không nhất thiết phải là chatbot mà có thể dùng tính năng nhúng của AI và được kiểm soát theo quy định.
ChatGPT là chatbot được OpenAI của Mỹ ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng phát triển từ mô hình GPT-3.5, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống cuộc trò chuyện với người thật. Đây là phần mềm có tốc độ phát triển người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau một tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1.