Đề xuất trên nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Theo cơ quan này, từ khi Nghị định 72 được ban hành năm 2013 đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng ngày càng trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu, thói quen của người sử dụng. Các loại hình báo chí không còn giữ vị trí độc tôn, người dùng dần chuyển sang các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok, Twitter, Instagram... để phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tiễn thi hành cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, thực trạng phát triển về công nghệ thông tin và internet... đã bộc lộ những hạn chế bất cập, những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện.
Các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Anh Tú
Do đó, trong dự thảo nghị định, Bộ Thông tin và Truyền Thông đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan quản lý có quyền thực thi các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp: cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Với các trang web, ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thông báo, xác nhận thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, các đơn vị này phải phối hợp với Bộ để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.
Các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube phải yêu cầu các kênh, tài khoản tại Việt Nam có từ 10.000 người trở lên thông báo thông tin liên hệ với Bộ. Chỉ các kênh, tài khoản đã thông báo mới được livestream và cung cấp các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Hiện tại, mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của Facebook, Youtube hay các mạng xã hội khác... đều có thể livestream và bật kiếm tiền, mà chưa cần tuân thủ quy định của nhà chức trách Việt Nam.
Đồng thời, các mạng xã hội xuyên biên giới này phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại từ người sử dụng; tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24h) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. Người dùng tại Việt Nam có quyền khởi kiện nếu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tính đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép, nhưng số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu người dùng, Youtube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).
Bộ đánh giá các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng là gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Bộ, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật.