Giá vàng trong nước sẽ về sát giá thế giới?

Thứ năm, 11/04/2013, 08:58
Giá vàng trong nước sẽ về sát giá thế giới là khẳng định chắc nịch từ một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi trao đổi với PV ngày 10/4.

Theo vị này, NHNN sẽ bán vàng ra cho đến khi nào nhu cầu từ phía ngân hàng chấm dứt. Khi đó chắc chắn khoảng cách giá sẽ giảm.

Nhưng các doanh nghiệp không cho là như vậy.

Ngân hàng hết nhu cầu, khoảng cách giá sẽ giảm

NHNN đã tổ chức thành công 5 phiên đấu thầu, lượng vàng cung ra thị trường tới hết ngày 10/4 là 118.200 lượng, tức hơn 4,4 tấn vàng, tương đương với một số đợt nhập vàng năm 2011.

Vậy nhưng, nếu sau những đợt nhập vàng giá trong nước lập tức về sát giá thế giới thì đến giờ giá trong nước vẫn giữ khoảng cách với giá thế giới 3,4 triệu đồng/lượng, giảm không đáng kể so với trước khi tổ chức các phiên đấu thầu. Vậy, mục tiêu bán vàng ra để bình ổn thị trường của NHNN liệu có đạt được?

chênh lệch giá vàng
 Giá vàng trong nước có về sát giá thế giới không vẫn còn là tranh cãi.

Vị lãnh đạo trên cho rằng sở dĩ với các đợt nhập vàng trước giá giảm xuống ngay là vì các đơn vị được tự nhập vàng, sau đó cộng thuế, phí gia công và bán ra, nhưng sau đó lực cầu tăng lại đẩy khoảng cách ra xa trở lại. Còn hiện tại, NHNN bán giá bằng với giá thị trường nên việc giảm giá xuống ngay chắc chắn là không làm được.

Hiện tại, nếu bán với giá thấp sẽ có những đối tượng được hưởng lợi, vô tình sẽ kích hoạt lại hoạt động đầu cơ vốn đã ngưng từ lâu. Vì vậy, NHNN sẽ bán với giá trên, đơn vị nào có nhu cầu thì mua vào. Khoảng chênh lệch đó sẽ về tay nhà nước, có lợi cho dự trữ ngoại hối.

Hiện tại, NHNN sẽ tiếp tục bán vàng ra, cho đến khi các ngân hàng thôi không còn cần mua vàng thêm để tất toán trạng thái nữa thì các đợt đấu thầu cũng sẽ tạm chấm dứt.

Trong phiên đấu thầu thứ Tư, ngày 10/4, lượng vàng bán ra là 40.000 lượng, có 18 đơn vị trúng thầu với số lượng 39.200 lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 43,3 triệu đồng/lượng, bằng giá sàn, giá cao nhất là 43,31 triệu đồng/lượng.

Như vậy, qua 5 đợt đấu thầu, lượng vàng bán ra của NHNN là 118.200 lượng. Thứ Sáu tuần này, 12/4 NHNN sẽ tổ chức tiếp một đợt đấu thầu nữa.

Và vị này cho rằng, người mua chính trên thị trường trong một năm qua vẫn là các ngân hàng, vì vậy khi nhu cầu trên chấm dứt, nguồn cầu từ phía này cũng sẽ không còn, tự động giá cũng giảm xuống theo quy luật cung cầu và thị trường vàng sẽ ổn định thật sự.

Theo ông trong thời gian này, nếu NHNN không bán vàng ra, giá sẽ còn tiếp tục cách xa hơn nữa vì thời gian tất toán trạng thái ở các ngân hàng đã cận kề.

Vị đại diện trên không phủ nhận chuyện bán vàng ra là để phục vụ cho nhu cầu tất toán trạng thái của các ngân hàng, nhưng cũng đồng thời cung ra thị trường một cách trực tiếp thông qua các doanh nghiệp, dù số lượng không lớn do tiềm lực tài chính của họ không như các ngân hàng.

Việc bán vàng ra với số lượng lớn, NHNN cũng sẽ phải mua trên tài khoản nước ngoài, và cũng sẽ dùng đến nguồn ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối và có khả năng tác động đến tỷ giá.

Vị đại diện của NHNN cho biết đúng là có dùng đến nguồn ngoại tệ này để nhập vàng nhưng không đáng kể, vì vậy, không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn dự trữ. Thêm vào đó, trong khi tín dụng ngoại tệ của ngân hàng thương mại âm trong 3 tháng đầu năm, tỷ giá đã bắt đầu hạ nhiệt, NHNN sẽ tranh thủ các đợt này để mua ngoại tệ vào, làm tăng dự trữ ngoại hối.

Doanh nghiệp nói khó

Một đại diện của một ngân hàng thương mại tham gia đấu thầu cho biết các ngân hàng đang ở thế “không mua không được”. Mua ngoài thị trường với số lượng lớn để tất toán trạng thái không phải chuyện dễ, và chỉ cần mua vài trăm lượng, cầu xuất hiện lập tức đẩy giá tăng. Và trong khi người dân không bán vàng ra thì không biết mua ở đâu cho đủ.

“Biết là giá thầu cao, không sát với giá thế giới nhưng ra thị trường dễ gì mua được một lần đến vài ngàn lượng, vậy nên có cao cũng phải mua”, vị đại diện này nói. Nhưng để giá trong nước về sát giá thế giới, vị này cho rằng khó, vì giá bán của NHNN lúc nào cũng cao hơn đến vài triệu đồng/lượng.

Còn một doanh nghiệp có tham gia mua vàng qua các đợt đấu thầu lại cho rằng NHNN đang chèn ép doanh nghiệp nhỏ, vì quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu ngày càng lớn. Đến phiên hôm nay vào khoảng 1.000 lượng (43 tỉ đồng), quá lớn so với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

Vị này cho rằng nên chăng giảm khối lượng tối thiểu xuống còn 100 lượng, bằng với bước khối lượng. Và ông cho rằng NHNN không đối xử bình đẳng với các đơn vị, ưu tiên hơn đối với các đơn vị có vốn lớn. “Khi xét trúng thầu, ở cùng mức giá, đơn vị nào bỏ thầu khối lượng lớn hơn sẽ trúng, trong khi doanh nghiệp là đơn vị trực tiếp bán vàng ra thị trường để giảm giá xuống, không phải ngân hàng”.

Vị này cũng cho rằng NHNN sẽ khó đạt mục tiêu kéo giá trong nước về sát giá thế giới vì hiện tại nhu cầu của người dân thấp là do giá vàng SJC đắt hơn nhiều so với giá thế giới, nên khi kéo sát xuống, cầu phía người dân tăng sẽ đẩy khoảng chênh lệch ra xa trở lại. Nên liên thông một cách thực sự bằng việc cho xuất nhập vàng bình thường thì NHNN không phải miệt mài đi giải bài toán chênh lệch giá.

Giá vàng trong nước hiện đã dùng giá sàn của Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong các phiên đấu thầu làm giá tham chiếu. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh vàng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC cũng phải dựa trên mức giá đó để niêm yết sao cho phù hợp vì khi NHNN đưa ra giá sàn, người dân cũng dựa theo đó, chấp nhận cao hơn chút ít để mua vàng vào.

Ông Tường cũng cho biết từ khi có đấu thầu vàng, hoạt động mua vàng của các ngân hàng thương mại tại SJC giảm hẳn.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích