Tình trạng này khiến các nhà sản xuất dầu ăn trong nước điêu đứng, buộc phải yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) áp dụng biện pháp tự vệ.
Người tiêu dùng cũng không được lợi vì giá bán lẻ dầu nhập khẩu không rẻ. Lợi nhuận từ giá nhập khẩu thấp chủ yếu rơi vào các tầng nấc phân phối.
Người dân chọn dầu ăn của các thương hiệu nước ngoài ở siêu thị Maximark Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM |
Dầu ngoại tấn công
Tại các siêu thị lớn ở TP.HCM, thời gian gần đây người tiêu dùng đã không còn lạ lẫm với các loại dầu ăn nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Singapore... Các thương hiệu như Sailing Boat (dầu ăn Cánh Buồm), Knife, Cooking Kudu, Omely, đậu nành Capri... đều có nguồn gốc nhập khẩu được bày bán khá nhiều.
Đây là những mặt hàng được đóng chai tại các nước xuất khẩu do một số công ty như: Công ty TNHH Lam Soon VN, Công ty cổ phần Lộc Thái, Công ty cổ phần Kết nối toàn cầu, Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm VN... nhập khẩu, phân phối.
Trên thị trường, giá bán lẻ dầu ăn nhập khẩu được bán tương đương dầu ăn sản xuất trong nước. Cụ thể, dầu ăn nhập khẩu khoảng 38.000-45.000 đồng/lít thì dầu ăn sản xuất trong nước của các nhãn hiệu như dầu thực vật Tường An, Neptune, Meizan... cũng 33.000-45.000 đồng/chai 1 lít.
Tuy nhiên, theo giới nhập khẩu và phân phối dầu ăn, sự có mặt của các nhãn hiệu dầu ăn trên chỉ phản ánh được một phần của bức tranh dầu ăn nhập khẩu tràn vào VN.
Ông Huỳnh Quốc Đẳng - từng phụ trách kinh doanh khu vực TP.HCM của một công ty chuyên nhập khẩu dầu ăn từ Malaysia, Indonesia vào VN - cho biết dầu ăn nhập khẩu rất đa dạng và đang cạnh tranh mạnh với dầu ăn trong nước ở mọi đối tượng và địa bàn tiêu dùng.
Không chỉ thâm nhập các siêu thị, cửa hàng tạp hóa ở khu vực TP.HCM hay Hà Nội với những dạng đóng chai 250ml, 400ml, 1 lít, 2 lít... mà từ năm 2011 những loại dầu ăn này bắt đầu tỏa đi các thị trường khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Trung.
Theo ông Đẳng, dầu ăn nhập khẩu được tiêu thụ rất nhiều ở các nhà hàng, quán ăn. Nhóm tiêu thụ này thường lấy các can lớn loại 10-30 lít... Với những loại bán lẻ ở siêu thị, cửa hàng tạp hóa giá cũng tương đương hàng nội. Nhưng với hàng bán can loại lớn, giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 20.000 đồng/lít tùy thời điểm.
Dầu ăn của các thương hiệu nước ngoài như Capri, Sailing Boat, Omely... hiện bán khá nhiều tại các chợ, siêu thị... (ảnh chụp tại siêu thị Maximark Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) |
Mặc dù giá bán lẻ trên thị trường không rẻ so với hàng nội nhưng sở dĩ các công ty thương mại, công ty sản xuất dầu ăn đua nhau nhập khẩu cả hàng đóng chai và dầu dạng can lớn về đóng chai là do giá gốc của dầu nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với hàng sản xuất trong nước.
Theo thông tin từ hải quan các cửa khẩu tại TP.HCM, dầu đậu nành tinh luyện nhập khẩu qua các cửa khẩu khu vực TP.HCM có giá nhập trung bình năm 2012 chỉ khoảng 13.000 đồng/lít, dầu cọ tinh luyện giá khoảng 12.700 đồng/lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện có quy cách đóng gói không quá 20kg/sản phẩm giá chừng 17.200 đồng/lít.
Cơ quan hải quan cho biết những nhóm hàng này chủ yếu có nguồn gốc từ các nước ASEAN vì đây là khu vực đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Theo giới kinh doanh dầu thực vật, mức thuế ưu đãi 0% là một trong những nguyên nhân chính khiến dầu nhập khẩu tràn vào thị trường nhanh chóng.
Chỉ riêng tại cảng Cát Lái (TP.HCM), nếu như trong năm 2011 chỉ nhập 69 tấn dầu đậu nành tinh luyện có mã HS 15079090 thì sang năm 2012 số lượng lên đến 1.520 tấn, tức gấp 22 lần.
Các mặt hàng dầu cọ xếp trong nhóm hàng nhập khẩu có mã HS 15119092 và 15119099 năm 2011 không nhập qua cảng Cát Lái nhưng trong năm 2012 lại nhập lần lượt tới 1.105 tấn và 5.815 tấn.
Dầu nội teo tóp thị phần
Sự đổ bộ của hàng nhập khẩu giá rẻ khiến các mặt hàng này nhanh chóng chiếm lĩnh được hệ thống phân phối.
Trong khi người tiêu dùng chưa được hưởng lợi (giá bán lẻ hàng nhập khẩu tương đương hàng sản xuất trong nước) thì ngành công nghiệp dầu ăn trong nước đã rơi vào thế khốn đốn. Đó là lý do các doanh nghiệp dầu ăn buộc phải đưa đơn kiện chống bán phá giá và đề nghị áp thuế với hàng nhập khẩu.
Giữ vai trò đại diện cho nguyên đơn là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật VN - Công ty TNHH MTV (Vocarimex) cùng bảy doanh nghiệp sản xuất dầu tinh luyện có liên quan khác như Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân, Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè... đều đồng loạt ký tên trong đơn cáo buộc dầu đậu nành và dầu cọ tinh luyện nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia và Singapore với lượng nhập khẩu trong năm 2012 tăng 132% so với năm 2011, đang bán giá thấp hơn các doanh nghiệp sản xuất trong nước ít nhất từ 1,84-2,24%.
Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh |
Theo Vocarimex, trước khi khởi kiện, năm 2011 thị phần của Vocarimex đang giữ 17%, của các nhà sản xuất trong nước 40%, và hàng nhập khẩu 43%. Nhưng sang năm 2012, cục diện thay đổi hoàn toàn khi thị phần Vocarimex chỉ còn 4%, các nhà sản xuất trong nước khác “teo” lại còn 10%, trong khi hàng nhập khẩu vọt lên chiếm 86% thị phần.
Theo một số doanh nghiệp trong nước, khi thấy lượng hàng nhập khẩu gia tăng đột biến, đồng thời các nhà xuất khẩu nước ngoài giảm giá bán xuống mức thấp hơn giá bán của các nhà sản xuất nội địa, Vocarimex đã buộc phải hạ giá bán để cạnh tranh với hàng nhập khẩu dù tổng chi phí của Vocarimex đang gia tăng, thậm chí phải cắt giảm sản xuất.
Nếu tình hình này tiếp diễn, hoạt động sản xuất và kinh doanh của Vocarimex nói riêng và các nhà sản xuất dầu thực vật khác trong nước sẽ bị ngưng trệ và có nguy cơ phá sản.
Vocarimex cũng cho rằng dầu thực vật là mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho con người, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng được đòi hỏi kiểm tra một cách nghiêm ngặt trong suốt quá trình từ nhà sản xuất nước xuất khẩu đến người tiêu dùng nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt hàng hóa ở dạng không bao bì về VN, sau đó đóng gói và tiêu thụ như hiện nay thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và suy giảm chất lượng là không thể kiểm soát. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi chờ kết quả điều tra từ Bộ Công thương, nguyên đơn đề nghị được áp thuế tương đối với hai dòng sản phẩm là dầu đậu nành tinh và dầu cọ tinh nhập khẩu với mức 2% tính trên giá trị nhập khẩu của lô hàng trong thời gian từ nay đến hết năm 2018.
Đồng thời, áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung là 2% tính trên giá trị nhập khẩu của lô hàng cho tất cả các sản phẩm dầu đậu nành tinh và dầu cọ tinh nhập khẩu, không phân biệt nước xuất khẩu trong thời gian 200 ngày kể từ ngày khởi kiện.
Cần chứng minh cạnh tranh không lành mạnh Theo một luật sư có nghiên cứu sâu về phòng vệ thương mại, về lý thuyết, để áp dụng được biện pháp phòng vệ thương mại bằng cách áp thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu, cần chứng minh được hàng nhập khẩu đã cạnh tranh không lành mạnh, được hưởng trợ cấp của nước xuất khẩu nhằm đưa mức giá xuống thấp bán sang VN, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất của VN. Việc đánh thuế chống bán phá giá trong trường hợp này hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO. Tuy nhiên, trong trường hợp qua điều tra cho thấy hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào VN một cách bình thường, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng trợ cấp giá, nhưng do họ có lợi thế cạnh tranh về giá rẻ nên được nhập về nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhà sản xuất trong nước, nếu chúng ta muốn cứu ngành dầu ăn trong nước thì cũng có thể áp dụng biện pháp hành chính là áp thuế. Hiện thuế nhập khẩu dầu ăn với các nước trong khu vực ASEAN là 0%. Khi áp thuế, các nhà nhập khẩu lại bị thiệt hại. Vấn đề quan trọng là ở chính sách phát triển của quốc gia. Nếu dầu ăn là một trong những ngành nằm trong chiến lược phát triển thì phải cứu. Nhà nước phải xuất ngân sách ra để đền bù thiệt hại khi áp thuế nhập khẩu. Còn nếu đây không phải là ngành ưu tiên thì doanh nghiệp phải chấp nhận, hoặc tự nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại. |
Vụ kiện thứ hai sau kính nổi Mặt hàng dầu cọ và dầu đậu nành tinh luyện là vụ kiện thứ hai của các doanh nghiệp trong nước đối với hàng hóa nước ngoài kể từ khi pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN ban hành đầu năm 2002. Trước đó, vụ kiện yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ trong phòng vệ thương mại đầu tiên diễn ra vào tháng 5-2009 khi Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi VN (VFG) đã ủy quyền cho Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera khởi kiện đối với hai mặt hàng kính nổi nhập khẩu từ nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Sau bảy tháng điều tra, vào tháng 2/2010, Bộ Công thương đã ra quyết định cuối cùng không áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng kính nổi, dù cơ quan điều tra kết luận (i) tuy có sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại đối với sản xuất trong nước, song do những biến động trái chiều của giá dầu F.O tại thị trường VN (dầu F.O chiếm 30-35% giá thành sản xuất) so với thị trường thế giới, nên “sự gia tăng nhập khẩu không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước”. |
Theo Tuổi Trẻ