Vòng loại cuối cùng World Cup giống như đại dương đầy sóng gió, phải vượt qua nó chúng ta mới đến được miền đất hứa. Dù ông Park có là một thuyền trưởng tài ba, thì câu chuyện ra khơi vẫn chỉ là giấc mơ nếu chúng ta cứ mãi dùng một con tàu cá mong manh.
Con tàu ấy vẫn nguyên giá trị ở vùng nước lặng như Đông Nam Á. Nó chỉ gặp vấn đề khi phải đối mặt với bão giông ngoài châu lục, mà UAE mới chỉ là cơn áp thấp đầu tiên đã khiến mọi thứ quay cuồng.
Tuyển Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: Y Kiện. |
Ngày mới đến Việt Nam, ông Park nhanh chóng nhận ra sơ đồ 4-4-2 mà các đội tuyển đang áp dụng mang tính mạo hiểm quá cao. Để trang bị thêm nhiều tính năng an toàn khác, ông chuyển về hệ thống 3-5-2, với “lõi” là 3 trung vệ có thòng, có dập và 2 vệ tinh ở 2 biên liên tục lên - về tuỳ theo diễn biến công hay thủ.
Triết lý này của ông Park là phù hợp trong bối cảnh tuyển Việt Nam cũng như U22 Việt Nam đang khủng hoảng nặng nề sau nhiệm kỳ đứt gãy của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Cách chơi thận trọng, ăn chắc mặc bền giúp ông Park giành được những kết quả khả quan ban đầu (thắng Thái Lan tại giải giao hữu M150 Cup) và sau đó đặc biệt thành công ở giải U23 châu Á 2018.
U23 châu Á là giải đấu mà Việt Nam có một sự dịch chuyển nhẹ trong chiến thuật. Khởi đầu với sơ đồ 3-5-2 (thực chất là 5-3-2 vì thường xuyên bị đẩy vào thế thủ) thất bại trước U23 Hàn Quốc, thầy Park gia cố thêm một tiền vệ nữa để biến nó thành 5-4-1. Chúng ta bất ngờ thắng U23 Australia, cầm hoà U23 Syria để qua vòng bảng, và sơ đồ này đi theo suốt hành trình lịch sử đã viết nên kỳ tích Thường Châu.
Cũng ở tầm châu lục, tuyển Việt Nam do ông Park dẫn dắt đã vào đến tứ kết Asian Cup 2019. Thêm một lần nữa, sự chặt chẽ của hàng thủ 5 người và 2 tiền vệ đánh chặn giúp chúng ta “thoát hiểm” ở vị trí thứ 3 của một bảng đấu khó khăn. Mấu chốt của chiếc vé đi tiếp nằm ở chiến thắng Yemen, nhưng phụ trợ cho nó là 2 trận thua với cách biệt không quá lớn trước Iran, Iraq.
Vào tứ kết, tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 0-1, dù vậy, đó là kết quả đáng tự hào bởi lối chơi phòng thủ chủ động đã được thầy Park đẩy lên một tầm cao mới. Từ giải đấu này, ông chọn ra được 2 cái tên tăng cường cho SEA Games là Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Trọng Hoàng.
SEA Games và AFF Cup thực chất là những môi trường bớt khắc nghiệt hơn, nhưng lại gây nhiều băn khoăn cho HLV Park Hang-seo trong lựa chọn lối chơi. Ông thầy Hàn Quốc giỏi lấy yếu chống mạnh, phòng ngự phản công hơn là lấy mạnh đè yếu, tự mình áp đặt cuộc chơi - đó là sự thật bất luận chúng ta đang vô địch cả hai giải đấu kể trên.
Tuyển Việt Nam sử dụng thường xuyên sơ đồ 3-4-3 khi về Đông Nam Á, nơi mà tuyến giữa thực sự lợi hại với Đỗ Hùng Dũng trấn ải. Những trận đấu với Brunei, Campuchia…, chúng ta không bàn chuyện chiến thuật bởi mục đích của ông Park là thắng mà vẫn giấu bài.
Nhưng khi gặp Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia dù ở đấu trường nào, thầy Park cũng phải cân nhắc cách chơi và nhân sự để tránh bị đối thủ “bắt vở”. 3-4-3 hay 3-5-2, không có trận nào thực sự dễ dàng, dù đáp số chung là bất bại.
Sau hơn một năm gián đoạn không thi đấu quốc tế, tuyển Việt Nam trở lại với chiến dịch vòng loại World Cup đá tập trung tại UAE. Như tất cả đã thấy, thầy Park thành công về mục đích giành vé đi tiếp, nhưng thất bại trong nỗ lực nâng tầm.
Công bằng mà nói thì nâng tầm là một thử thách quá khó lúc này, khi nhìn sang hàng xóm, cả Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Thái Lan đều sa sút trầm trọng. Giữ được lợi thế và thăng tiến trên bảng xếp hạng FIFA như Việt Nam dù sao cũng đáng để hài lòng.
Có chăng, chúng ta nhìn, ngẫm và lo lắng cho hành trình phía trước của thầy trò HLV Park Hang-seo. Một trận thua UAE có thể chưa phản ánh đúng quyết tâm thường thấy, nhưng dấu hiệu về sự mài mòn chiến thuật là cảnh báo chính xác. Mọi chiến thuật muốn sắc bén đều trông vào nhân sự, mà nhân sự lại là trở ngại thật lớn cho ông thầy Hàn Quốc.
Nhiều tuyển thủ Việt Nam đã xuống phong độ. Ảnh: Y Kiện. |
So với đội hình dự AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam lúc này hầu như không có gì mới mẻ, ngoại trừ Nguyễn Tiến Linh sắm vai tiền đạo chủ lực thay Nguyễn Anh Đức. Mà Anh Đức thì cũng chỉ mới bị gạt ra trước khi ông Park mang quân sang UAE mà thôi.
Mọi thay đổi khác đều ở diện bất khả kháng và ở chiều tiêu cực, như chấn thương của Đỗ Hùng Dũng, tình hình dịch bệnh ngáng trở Đặng Văn Lâm… Bùi Tấn Trường là một “phát hiện” của chiến dịch vòng loại lần này, nhưng độ tuổi 36 khiến anh khó giữ được tương lai trong khung gỗ.
3 tháng nữa, tuyển Việt Nam mới tiếp tục chinh chiến cùng các đội hàng đầu châu lục, đủ để đón lại Văn Lâm. Nhưng Lâm rất ít khả năng được bắt chính ở giải VĐQG Nhật, vài ba trận đá Cup nhàn tênh chẳng giúp anh cải thiện chuyên môn.
Mà thiếu cảm giác thi đấu tai hại thế nào thì nhìn Đoàn Văn Hậu là thấy rõ. Ông Park từng coi Hậu là nhân tố cạnh tranh sòng phẳng ở tầm châu Á, nhưng quãng thời gian ngồi dự bị tại Hà Lan và chấn thương khi trở về làm anh mất phong độ một cách đáng ngại.
Hậu còn trẻ, còn phát triển cả cơ bắp lẫn tư duy, nhưng chấn thương gối là một loại chấn thương dai dẳng, khiến lộ trình phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thầy Park có thể phải chấp nhận Hậu sẽ mất thêm nhiều thời gian để tiến đến cái ngưỡng mà ông kỳ vọng.
Thầy Park có thể phải chấp nhận rằng Xuân Trường sẽ không phù hợp cho những cuộc đấu lớn, nơi mà tranh chấp giữa sân chưa bao giờ là thế mạnh, còn vũ khí chuyền dài của anh quá khó để tìm đến đồng đội vốn cũng đơn thương ở tuyến trên.
Thầy Park có thể phải chấp nhận rằng dù có Nguyễn Tuấn Anh hay thậm chí Đỗ Hùng Dũng trở lại, tuyển Việt Nam cũng thật khó tổ chức được một hàng tiền vệ xứng tầm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia - dạng chướng ngại mà chúng ta sẽ phải chinh phục sắp tới. Không, chúng ta nghĩ cách nào để chống lại sự chinh phục của họ là cách diễn tả đúng hơn.
Thầy Park có thể phải chấp nhận Đỗ Duy Mạnh đừng nên là suất chính mặc nhiên trong hàng thủ. Những trận gần đây, trung vệ Hà Nội mắc sai sót thường xuyên và tạo ra thứ linh cảm bất an. Đấy là điều tối kỵ ở một không gian nhạy cảm trước cầu môn. Điều tương tự cũng nên áp dụng với Phan Văn Đức, Bùi Tiến Dũng để tăng sự ganh đua tích cực.
Thầy Park có thể phải chấp nhận Trọng Hoàng không còn đủ “trẻ” để chơi cùng những đối thủ hơn chúng ta từ 15-20 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Khi ở phía bên kia là những đôi chân thoăn thoắt và những cái đầu nhiều biến số, Trọng Hoàng trở nên vất vả trong phòng ngự và lạc lõng trong phản công.
Và thầy Park cũng đã đến lúc phải chấp nhận danh sách dự bị của ông cần được bổ sung thêm nhiều lựa chọn. Nếu chỉ liên tục quay vòng với những Phạm Đức Huy, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Hà Đức Chinh, e rằng nó không đủ chiều sâu.
Thật may là trong những nỗ lực tưởng như vô vọng, thầy Lee và thầy Park lại thấy lóe lên một Minh Vương đầy sáng tạo trong hình hài của một hộ công. Minh Vương xứng đáng được trao cơ hội nhiều hơn bởi những gì anh thể hiện ở HAGL là ấn tượng hàng đầu V.League.
Và nếu Minh Vương được coi là sự mới mẻ mát lành, tại sao thầy Park không tin dùng hơn những trung vệ như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung, những chân chạy cánh thậm chí đã khẳng định được tư chất như Nguyễn Phong Hồng Duy, Vũ Văn Thanh?
Khi cần tập trung giành vé đi tiếp vào vòng loại cuối World Cup 2022, ông Park sử dụng bộ khung quen thuộc là điều dễ hiểu. Nhưng lúc này, mục tiêu đã đạt, chúng ta sắp có thêm hàng chục trận đấu ở trình độ cao nhất để tập dượt cho một tương lai xa hơn, thực tế hơn là World Cup 2026, hẳn là ông nên tính toán dài hơi với những gương mặt mới hoặc không mới nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng.