Cú đạp trụ của Hoàng Thịnh gợi nhớ đến những pha triệt hạ kinh điển của Trần Đình Đồng, Sầm Ngọc Đức, Quế Ngọc Hải trước kia. Những chấn thương nặng mà họ gây ra cho Anh Hùng (CLB An Giang, năm 2014), Anh Khoa (Đà Nẵng, 2015), Anh Hùng (Hải Phòng, 2017) và Hùng Dũng (Hà Nội, 2021) đều diễn ra trong bối cảnh bóng ở xa khung thành hoặc chưa tạo ra bất kỳ nguy hiểm nào và đối phương đang kiểm soát bóng ở tốc độ chậm. Nhưng, họ vẫn lao thẳng vào bằng hai chân, với đích đến là ống đồng - nơi có thể dẫn đến tai nạn chấm dứt sự nghiệp.
Cú vào bóng của Hoàng Thịnh làm Hùng Dũng gãy chân. Ảnh: Lâm Thỏa.
Đình Đồng, Ngọc Đức, Ngọc Hải và Hoàng Thịnh đều được đào tạo ở SLNA, lò bóng đá nổi tiếng với phong cách thi đấu cứng rắn. Sẽ phiến diện nếu cho rằng SLNA là nguồn cơn của bóng đá bạo lực Việt Nam. Nhưng trong phạm vi động tác vào bóng bằng hai chân, họ mà số hai thì không nơi nào dám nhận số một.
Tình huống minh họa chung cho tất cả các pha bóng khủng khiếp đó, diễn ra ở mùa giải 2012, trong trận đấu SLNA - Hà Nội T&T. Cú phi người bằng cả hai chân như một quả tên lửa được trung vệ Nguyễn Huy Hoàng (SLNA) nhắm vào ống đồng của Hoàng Vũ Samson. Ngoại binh của Hà Nội T&T nhảy lên né rồi trả đũa bằng một pha giơ chân cao đạp vào mặt Huy Hoàng, khiến trung vệ nổi tiếng chơi rắn này gần như bất tỉnh trên sân. Tình huống đó diễn ra ở vạch giữa sân, không hiểu vì sao một trung vệ lại bỏ vị trí lao lên để thực hiện cú ra đòn ác hiểm đến như vậy.
SLNA từ trước đó đã được biết đến với lối chơi rắn, đôi khi vượt quá luật lệ, nhưng mức độ bạo lực chỉ bắt đầu từ khoảng thời gian mà Huy Hoàng trở thành thủ lĩnh ở sân Vinh. Bạo lực không chỉ diễn ra ở V-League, mà tại các giải đấu trẻ, cũng có thêm Phạm Mạnh Hùng, Hoàng Văn Khánh... Một vài lần còn có thể cho là hoàn cảnh, nhưng mức độ tăng dần theo thời gian và thậm chí còn mang tính kế thừa, thì đấy thật sự là vấn đề nghiêm trọng
Từ cú lao bóng như tự sát của Huy Hoàng năm 2012, đến những án phạt "chưa từng có tiền lệ" mà Đình Đồng, Ngọc Hải phải nhận, hay bi kịch số phận của những cầu thủ bị chấn thương, có thể thấy hậu quả của các pha vào bóng bằng hai chân là nặng nề, ám ảnh đến thế nào. Nhưng, dường như chẳng có một bài học nào được rút ra, đặc biệt là với các cầu thủ xuất thân từ SLNA. Mức độ bạo lực và số lượng cầu thủ SLNA có liên quan đủ để khẳng định một trong những nguồn gốc chính yếu nằm ở khâu đào tạo. Cách thức "ra đòn", thái độ thực hiện đều giống nhau, cho thấy họ đã được đào tạo "kỹ thuật" ấy từ bé.
Hoàng Thịnh vốn chơi tấn công, thiên về sức mạnh và sở hữu những cú sút xa chất lượng. Từ SLNA đến Thanh Hóa rồi CLB TP.HCM, tiền vệ này chưa mắc sự cố nào liên quan đến bạo lực sân cỏ nghiêm trọng. Nhờ vậy, anh được HLV Park Hang-seo triệu tập vào tuyển Việt Nam ở lần tập trung cuối năm 2020. Một cầu thủ chơi quen chơi tấn công, nhưng lại có một pha bóng quyết liệt chẳng khác gì các trung vệ khác của SLNA. Phải chăng điều đó đã có sẵn trong tiềm thức chơi bóng của Hoàng Thịnh?
Hình ảnh về chấn thương của Hùng Dũng sẽ còn ám ảnh bóng đá Việt Nam. Ảnh: Lâm Thỏa.
Vậy, tại sao biết rõ hậu quả, mà lại không thay đổi cách thức đào tạo? Đó lại là một vấn đề khác, thuộc về trách nhiệm của những nhà quản lý, điều hành nền bóng đá.
Ngay trong tình huống phạm lỗi của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng, trọng tài chính Vũ Nguyên Vũ ban đầu chỉ rút thẻ vàng. Có vẻ như, phải đến khi biết Hùng Dũng bị gãy chân, ông mới đánh giá được tính chất sai phạm? Kiểu như, chưa gãy thì chưa nghiêm trọng? Cách rút thẻ của trọng tài trên sân Thống Nhất cũng không khác mấy việc trọng tài Anh Đức bỏ qua lỗi của thủ môn đội Cần Thơ tại giải hạng Nhất. Cả hai đều tỏ ra nhu nhược và yếu kém trong cách trừng phạt các hành vi mà theo khuyến cáo của FIFA là phải "nặng hết mức có thể". Năng lực của trọng tài, thậm chí trình độ văn hóa của trọng tài, cũng là một phần nguyên nhân mang tính cốt lõi dẫn đến bạo lực sân cỏ.
Một vụ bạo lực nghiêm trọng bao giờ cũng đáng bị lên án và tìm nguyên nhân khắc phục. Các vấn đề về văn hóa cầu thủ, yếu tố tâm lý thi đấu, thể lực... đều cần phải được tính đến. Nhưng chính cách mà bóng đá Việt Nam xử lý những vấn đề bạo lực, chất lượng của đội ngũ trọng tài, cũng là một cách dung dưỡng bạo lực. Một cầu thủ được đào tạo không đầy đủ về kỹ năng phòng ngự, thích vào bóng bằng gầm giày hơn là những kỹ thuật cản bóng ít nguy hiểm hơn, đã được chính các án phạt nhẹ tay của trọng tài tạo cho họ cảm giác "không có gì sai". Rồi chính những nơi đào tạo, cũng thấy thế mà yên tâm giữ nguyên triết lý đào tạo.
Nếu không thay đổi gốc rẽ, vẫn sẽ còn những nỗi đau nằm lại trên đôi chân của Hùng Dũng và nỗi ám ảnh khi xem bóng đá của người hâm mộ Việt Nam.
Theo VNE