Chê bai ngoại hình đồng nghiêp trở thành "trò quen" trong các show truyền hình thực tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy đó là điều đáng cười. Nhiều người còn cho rằng, đó là sự xúc phạm khó có thể chấp nhận được. Trước vấn đề này, biên kịch Chu Thơm có những chia sẻ với phóng viên VTC News.
- Thời gian qua, trong các gameshow truyền hình, nhiều nghệ sĩ đưa ra những bình luận không tích cực về ngoại hình của nhau để trêu đùa, lấy tiếng cười của khán giả. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Trước tiên cần khẳng định, con người sinh ra đã không giống nhau, ngoại hình có người ưa nhìn, người hạn chế, có người sinh ra trong gia đình đầy đủ cha mẹ, người phải mồ côi, có người may mắn sở hữu trí khôn vượt trội, người lại chậm chạp....Đó là yếu tố khách quan. Nó hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn hay sự cố gắng của bản thân ai đó. Do vậy, nếu cứ nhắm vào những thiệt thòi của người khác thì chẳng hay ho gì.
Nghệ sĩ bám vào ngoại hình của người khác để lấy tiếng cười khán giả là một trò lố. Có lẽ, họ chẳng còn trò gì nữa thì mới dùng tới cách xúc phạm đồng nghiệp để mua vui. Nếu nói không quá, chỉ những nghệ sĩ thiếu tài mới pha trò bằng cách châm chọc ngoại hình đồng nghiệp.
Trấn Thành từng đưa ra bình luận về Hương Giang "Người toàn mùi silicon" khi tham gia một gameshow truyền hình.
- Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng đó là "nói để cho vui thôi", bản thân họ chẳng khó chịu khi bị đồng nghiệp châm chọc ngoại hình, hà cớ gì người khác phải khó chịu thay...
Tôi không dám chắc là tất cả các nghệ sĩ đều cảm thấy thoải mái khi bị chê bai ngoại hình một cách công khai trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, có lẽ với sự lên ngôi của các show truyền hình thực tế, nơi các giá trị "lệch chuẩn" đang được tôn vinh, có lẽ họ đành phải thỏa hiệp.
Cũng có thể họ chọn cách thể hiện sự không hài lòng của mình bằng cách chê bai lại người vừa buông lời không hay về ngoại hình của mình. Và thế là cái vòng tròn lẩn quẩn được lặp lại. Người này chê người kia, người kia chê lại một cách sâu cay hơn. Hoặc cũng có thể, có những nghệ sĩ dễ dãi, coi đó là chuyện bình thường.
Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, bình luận về ngoại hình của người khác cũng không phải là hành động đáng được khuyến khích ở ngay cuộc sống đời thường, trên sóng truyền hình lại càng không.
Biên kịch Chu Thơm.
- Theo ông, việc các nghệ sĩ miệt mài, hăng say chê bai ngoại hình nhau trên sóng truyền hình có tác động thế nào tới công chúng?
Nghệ sĩ vốn là người có trách nhiệm truyền tải những giá trị chân - thiện - mỹ đến với công chúng. Họ là tấm gương để rất nhiều người noi theo. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay coi nghệ sĩ là thần tượng. Họ yêu mến, si mê và sẵn sàng làm theo thần tượng, đôi khi một cách mù quáng.
Vậy nên, nếu nghệ sĩ có hành vi không thích hợp, lại được trả tiền để làm, được cổ vũ ngay trên sóng truyền hình quốc gia, điều đó thật nguy hiểm.
- Và việc đó còn tác động thế nào đối với bản thân các nghệ sĩ, thưa ông?
Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ bức xúc, thậm chí nói là cảm thấy đau đớn khi bị khán giả gọi là con, là thằng. Vậy tại sao ngay trên sóng truyền hình, trong các show thực tế, các nghệ sĩ vẫn chỉ thẳng vào nhau, gọi nhau bằng những ngôn từ rất thiếu tôn trọng, rồi hăng say, nhiệt tình chê bai ngoại hình của nhau?
Các nghệ sĩ có thể bao biện rằng họ nói cho vui thôi, và vì thân nên mới nói chứ hoàn toàn không có mục đích kỳ thị hay xúc phạm. Vậy thì khán giả cũng có thể bao biện vì yêu nghệ sĩ nên mới chê.
Tôi chỉ lấy ví dụ thế này, nếu các nghệ sĩ công khai chê nhau lùn trên sóng truyền hình, vậy nếu đang đi ngoài đường, họ bị khán giả gọi rằng: "Ê, quỷ lùn kia", hay "lão nọng đóng thạch", hay "cô gái toàn mùi silicon", họ có cảm thấy chạnh lòng không?
Chiều cao của Việt Hương được nhiều gameshow khai thác.
Việc các nghệ sĩ mang ngoại hình của nhau ra để chê bai, mua vui đã gián tiếp khiến hình ảnh của họ trở nên xấu hơn trong mắt công chúng. Và ở một góc độ nào đó, họ cũng đang cho phép người khác được xúc phạm chính bản thân mình.