15h ngày 17/9, Thủy Tiên livestream công khai sao kê số tiền cô kêu gọi quyên góp để ủng hộ miền Trung cuối năm 2020.
Buổi livestream diễn ra trực tiếp tại ngân hàng Vietcombank, quận 7, TP.HCM, gồm vợ chồng nữ ca sĩ, luật sư, một số đơn vị truyền thông. Khoảng gần 30 người có mặt tại buổi livestream. Thủy Tiên cho biết có 18.000 trang sao kê.
Thủy Tiên nói cô sao kê từ trước khi kêu gọi 5 ngày và sau khi công bố kết thúc chuyến từ thiện 3 tháng, tức từ ngày 8/10 đến ngày 24/2/2021. Trong livestream, vợ chồng Thủy Tiên chỉ công bố ảnh chụp trang đầu tiên và cuối cùng của 18.000 tờ sao kê.
Trang đầu tiên trong bản sao kê mà Công Vinh công bố có số dư là 272 triệu đồng. Công Vinh nói trang cuối cùng, tức khi kết thúc đợt từ thiện ngày 23/11 là hơn 177 tỷ đồng.
|
Buổi livestream vi phạm quy định giãn cách khi có khoảng gần 30 người tụ tập trước cửa ngân hàng. |
Công Vinh - Thủy Tiên cũng in sao kê thêm sau ngày công bố đóng tài khoản, tức từ ngày 24/11 tới cuối tháng 2/2021, lúc này số tiền trên tờ sao kê là hơn 4 triệu đồng.
Buổi livestream diễn ra chóng vánh, khoảng 10 phút, các khoản rút ra không được nữ ca sĩ nhắc tới trong livestream. Sau khi giải thích trang đầu và trang cuối của bản sao kê, vợ chồng nữ ca sĩ tắt livestream. Họ không trả lời thêm câu hỏi chất vấn từ truyền thông về những tranh cãi, thắc mắc.
Trước đó, ngày 15/9, Công Vinh cũng đăng file PDF tổng hợp các khoản chi ra cho các tỉnh miền Trung có đính kèm giấy xác nhận, thư cảm ơn của các ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc.
Theo file PDF do Công Vinh công bố, tổng số tiền vợ chồng anh thay mặt mạnh thường quân cả nước ủng hộ người dân miền Trung cuối năm 2020 khoảng 178,5 tỷ đồng, cụ thể Hà Tĩnh là 40,295 tỷ đồng, Quảng Bình là 50,523 tỷ đồng, Nghệ An là 9,209 tỷ đồng, Quảng Trị 33,4 tỷ đồng, Huế 18,336 tỷ đồng, Quãng Ngãi 14 tỷ đồng, Quảng Nam là 12,748 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu là 177,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình livestream cũng vi phạm quy định giãn cách vì tụ tập quá đông người giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Có khoảng gần 30 người đứng với khoảng cách sát nhau trong lúc Công Vinh, Thủy Tiên livestream dù bảo vệ liên tục nhắc nhở họ.
|
Thủy Tiên và Công Vinh livestream kê khai tại ngân hàng. Ảnh: Thủy Tiên. |
Trao đổi với Zing ngày 17/9, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó trưởng phòng Tranh tụng, công ty luật TGS (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết việc Thủy Tiên và Công Vinh mời luật sư hay nhà báo chứng kiến buổi công bố sao kê không thể hiện hết được sự minh bạch trong tài chính.
Vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện. Khi kiểm toán vào cuộc tất cả khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng được làm rõ, như vậy mới khách quan và chính xác về thời gian đóng, mở tài khoản, tức thời điểm bắt đầu và ngừng nhận hỗ trợ.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, cần công khai sao kê chi tiết biến động số dư, để mạnh thường quân có thể tự kiểm được giao dịch của mình và đảm bảo minh bạch dòng tiền. Công khai chi tiết báo cáo đầu ra, tức tiền giải ngân như thế nào, phát cho ai, phát bao nhiêu, vào thời gian nào, thậm chí mời cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh và sau đó công bố chi tiết cho dư luận.
“Với số tiền lớn như vậy mà chỉ phát trực tiếp trên livestream sẽ rất khó khăn để có thể xác định được đầy đủ các thông tin về số tiền chuyển đến, chuyển đi, số tiền rút ra trong tài khoản… Hơn nữa, những thông tin về sao kê tài khoản ngân hàng chỉ phản ánh phần nào nội dung về tài chính trong hoạt động từ thiện, không thể giải đáp được hết những thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận”, luật sư nói thêm.
Ông cho biết: “Để có được kết quả về sự minh bạch, khách quan, chỉ có các cơ quan chức năng như cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra phối hợp với kiểm toán Nhà nước xác minh thông tin tại ngân hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan, các địa phương đã nhận tiền từ thiện mới có thể kết luận một cách đúng đắn, khách quan theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng. Ảnh: NVCC. |
Về các thư cảm ơn, biên bản trong file PDF do Công Vinh đăng tải, luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định việc sao kê chỉ có thể chứng minh đến thời điểm tiền về tài khoản là bao nhiêu, thời điểm rút bao nhiêu và tài khoản đó có số dư như thế nào.
"Nó không có tác dụng chứng minh, xác thực số tiền đã rút được sử dụng để làm gì. Bởi ngoại trừ các sao kê của ngân hàng, gần như các giấy tờ khác (bao gồm giấy viết tay, giấy xác nhận, thư cảm ơn, biên bản) đều có nhiều sai sót, rất nhiều chi tiết chưa khách quan khiến cư dân mạng khó lòng hiểu được" - luật sư nói.
“Việc phát tiền cứu trợ không được cơ quan chức năng nào lập danh sách cụ thể tại thời điểm giao nhận tiền mà chỉ có mặt chứng kiến Thủy Tiên phát tiền hỗ trợ. Nhiều văn bản được ban hành và xác nhận thiếu khách quan. Ví dụ giấy xác nhận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đại Lộc, ngày ký là 22/11/2020, nhưng ngày ghi xác nhận lại là 22/12/2020. Biên bản xác nhận của 2 huyện Thiệu Phong, Hải Lăng sơ sài hơn, không ghi ‘có danh sách kèm theo’ và trên biên bản cũng không ghi cụ thể số hộ, số tiền”, luật sư phân tích.