Cựu cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) Hứa Thị Phấn, 76 tuổi, vừa qua đời tại Bệnh viện Tân Hưng, quận 7. Nhiều năm nay sức khỏe yếu, bà được hoãn thi hành bản án 30 năm tù về các sai phạm tại TrustBank, liên quan 2 đại án ngân hàng.
Ngoài trách nhiệm hình sự, bà Phấn còn bị tòa buộc bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên hơn 18.000 tỷ đồng do bị tính lãi). Đến cuối năm ngoái, cơ quan thi hành án mới thu hồi được khoảng 7.000 tỷ.
Đại gia Hứa Thị Phấn lần đầu xuất hiện tại toà năm 2015, trong phiên xử ông Phạm Công Danh.
Theo một lãnh đạo Cục thi hành án dân sự TP.HCM (có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án), cơ quan này sẽ thực hiện các thủ tục để đình chỉ thi hành án hình sự đối với bà Phấn. Về trách nhiệm dân sự, căn cứ khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự, thì quyền và nghĩa vụ thi hành án sẽ chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại được quy định tại Điều 615, Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, di sản bà Phấn để lại sẽ được ưu tiên thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại trong vụ án.
Thực tế, những tài sản đã kê biên của bà Phấn không đủ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án 11.000 tỷ đồng còn lại. Các tài sản này gồm: dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh; một số bất động sản tại TP.Thủ Đức (trước đây là quận 2) và một số tài khoản chứng khoán. "Vì vậy, sau khi đã phát mãi hết những tài sản này mà không còn tài sản nào khác thì bên được thi hành án phải chịu thiệt", lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự cho biết.
Về các bước để tiếp tục thi hành án đối với bà Phấn, bộ phận thi hành án sẽ làm việc với địa phương, lấy giấy chứng tử; đồng thời chấp hành viên cũng sẽ xác minh việc bà Phấn có để lại di chúc hay không.
Tiếp đó, tổ thi hành án sẽ thông báo cho những người thừa kế của bà Phấn biết về việc di sản của bà đang được kê biên. Nếu họ muốn nhận các di sản thừa kế thì phải thực hiện nghĩa vụ thay thế.
Hồi năm ngoái, Cục thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, quá trình thi hành án các tài sản của bà Phấn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý. Trong đó, đối với dự án Bệnh viện Phú Mỹ, toà tuyên phải phát mãi. Tuy nhiên, dự án này chỉ có trên giấy, chưa hoàn thiện về thủ tục pháp lý, chủ đầu tư mới đền bù được 80% diện tích đất nên việc phát mãi cũng chỉ thực hiện được dưới hình thức bán đất trong dự án thay vì phát mãi dự án theo quyết định của toà.
Cục thi hành án dân sự TP.HCM đang làm việc với các ban ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi hành án tài sản này của bà Phấn.
Từ năm 2018 đến 2020, bà Phấn nhiều lần bị TAND TP.Hà Nội, TAND TP.HCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử trong nhiều vụ án liên quan đến sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank.
Tại đại án Phạm Công Danh, bà Phấn bị xác định lợi dụng việc sở hữu lượng lớn cổ phần (gần 85%) Trustbank để thao túng mọi hoạt động nhà băng, chỉ đạo các thành viên HĐQT, nhân viên là người dưới quyền hoặc trong gia đình thực hiện nhiều hành vi sai phạm chiếm đoạt và gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà băng.
Trong tất cả giai đoạn của đại án trên, bà Phấn bị cáo buộc chiếm đoạt tổng cộng 12.000 tỷ đồng của Trustbank. Cuối tháng 5/2018, xét xử giai đoạn một, bà Phấn bị TAND TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn). Tổng số tiền bà Phấn bị buộc bồi thường là hơn 16.000 tỷ đồng.