Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Giáo dục đạo đức chưa chạm đến trái tim học sinh'

Thứ sáu, 26/07/2019, 21:28
Ông Nhạ thừa nhận giáo dục đạo đức với học sinh còn nặng về kiến thức hàn lâm, chương trình ôm đồm.

Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để bàn về đạo đức học sinh phổ thông.

Tại đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông đang còn khô khan, chưa phù hợp với học sinh. "Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi, đạo đức mà còn nặng về kiến thức đạo đức học hàn lâm", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục đạo đức chưa chạm đến trái tim học sinh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Võ Hải.

Kiến thức về đạo đức và lối sống được lồng ghép trong chương trình học còn ôm đồm, thiếu hệ thống, gây áp lực cho cả người dạy và người học. Trong khi đó, nội dung kiểm tra chậm đổi mới, chưa chú trọng đánh giá năng lực học sinh.

Ông Nhạ cũng thừa nhận, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc, lo lắng cho xã hội. Một bộ phận học sinh sống lệch lạc, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn xã hội...

Cắt nghĩa nguyên nhân của thực trạng này, tiến sĩ Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, giới trẻ hiện nay sớm nhiễm những giá trị bên ngoài trong khi chưa được giáo dục những nền tảng giá trị cần thiết. Ông dẫn chứng, trên thị trường, sách giáo dục lối sống lành mạnh rất ít nhưng sách ngôn tình lại đang chiếm một nửa số lượng. Các trang mạng xã hội đăng nhiều thông tin khích lệ tư tưởng hưởng thụ vật chất, hành vi lệch chuẩn...

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đề xuất, cần chế tài nghiêm khắc với giáo viên, học sinh vi phạm đạo đức, lối sống. "Sẽ rất khó giáo dục người trẻ khi người lớn không làm gương, vẫn làm sai trước mặt con trẻ", ông nói và nhấn mạnh cần kết hợp giáo dục nhà trường và gia đình.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ví von, "chấp pháp - lương thiện - trung thực" là kiềng ba chân về giá trị sống cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông, giáo dục ý thức chấp pháp phải được coi là nền tảng, chỗ dựa cho tất cả. "Phải có nền tảng vững chắc đó thì mới gây dựng được các giá trị khác, nếu không cái ác sẽ không được ngăn chặn", ông Sơn phát biểu.

Đề xuất giải pháp cho thực trạng trên, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cô đọng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vào một số mục tiêu nhất định để thực hiện cho tốt.

Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, việc dạy người cho học sinh lâu nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. "Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quan tâm đến môn khoa học giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh", ông nói. Khác với quan điểm này, giáo sư Nguyễn Lân Dũng bày tỏ, cần giáo dục đạo đức từ câu chuyện của các thầy cô chứ không chỉ nói đạo lý suông.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những phong trào giáo dục học sinh cần thiết thực, tránh hình thức. Ông yêu cầu đổi mới phương thức quan trị trong trường phổ thông, với sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên, cộng đồng, phụ huynh, học sinh, chính quyền địa phương. "Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới", ông nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hoá để giáo viên đóng góp những bài giảng mẫu mực về đạo đức. "Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò", Phó Thủ tướng nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn