Theo anh Long, biển quảng bá du lịch Việt Nam có hàng loạt chi tiết không chính xác, thẩm mỹ kém khiến dư luận bức xúc, đặc biệt, tệ hại là bản đồ không có Hoàng Sa và Trường Sa. Chia sẻ trên trang cá nhân, anh Nguyễn Ngọc Long cho biết, biển quảng cáo này: “Hạ Long được đưa vào Thanh Hóa, Nha Trang đưa ra Đà Nẵng, TP HCM đẩy ra tận vùng biên giới... và tùm lum hết cả!”
Thêm nữa, những hình ảnh đại diện quảng bá du lịch các địa phương cũng mắc lỗi nghiêm trọng như đặt hình Lăng Bác kề bên TP HCM. Việc sắp đặt bố cục này dễ làm người ngoài hiểu nhầm là hình Lăng Bác minh họa cho TP.HCM…).
Điều khiến người xem không hài lòng về biển quảng bá du lịch lại để cô gái mặc đồ đen quay lưng về phía người xem. Kết hợp với bản đồ sai hết về vị trí địa lý, dụng ý nghệ thuật cô gái quay lưng ra ngoài chỉ khiến người xem thấy sự ngô nghê hết sức.
Biển quảng bá gây bức xúc (Ảnh Nguyễn Ngọc Long) |
Anh Nguyễn Ngọc Long cho biết, anh đi du lịch Myanmar từ ngày 9 tới ngày 12/10 vừa qua. Ngày 9/10, khi anh tới sân bay Yangon thì không thấy tấm biển quảng bá du lịch trên. Đến ngày 12, tấm biển quảng bá du lịch này xuất hiện tại sân bay Yangon.
Toàn cảnh trước biển quảng cáo du lịch tại sân bay Yangon (Ảnh do nhân vật trong đoàn cung cấp) |
Chia sẻ với PV Infonet, anh Nguyễn Ngọc Long nói: “Ngay khi nhìn thấy pa-nô quảng cáo sừng sững giữa sân bay, thú thực cảm giác đầu tiên của tôi là tự hào và thích thú. Mà đâu chỉ mình tôi, hầu như tất cả anh chị em trong đoàn (gần 30 người) đều tranh thủ vào tạo dáng chụp hình kỷ niệm.
Mình qua nước ngoài, cảnh vật lạ lẫm, không gian lạ lẫm, con người và ngôn ngữ đều lạ lẫm... tự dưng thấy dòng chữ Visit Vietnam và các hình ảnh quen thuộc của Việt Nam xuất hiện là thấy gần gũi và ấm áp. Tuy nhiên, sau đó nhìn kỹ lại thì tôi bị "đứng hình" vì không thấy sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Anh Nguyễn Ngọc Long chia sẻ thêm: “Thực ra, cá nhân tôi cho rằng, nếu là một tấm bản đồ du lịch theo kiểu phiếm chỉ, với mục đích làm nổi bật các địa danh cần quảng bá kéo khách tới thăm quan thì có thể châm chước được. Dù trong mọi trường hợp, việc thể hiện chủ quyền là việc vẫn rất nên làm. Nhưng vì phát hiện ra sự biến mất của 2 quần đảo nên tôi bắt đầu soi kỹ hơn tấm bản đồ thì nhận thấy nó rất ngô nghê, có nhiều chi tiết sai căn bản.
Tôi không cảm thấy xấu hổ như nhiều người bình luận, tôi chỉ thấy bực mình và khó chịu. Tôi tự đặt ra câu hỏi, tại sao người ta có thể làm ăn một cách cẩu thả như vậy? Ai là người thiết kế hình ảnh này, ai là người duyệt bản in cuối và ai chịu trách nhiệm quảng bá những thông tin thất thiệt như vậy?”.
Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định: Tổng cục Du lịch Việt Nam không làm những biển quảng bá du lịch tại Myanmar. Theo bà Hương, rất có thể một công ty nào đó đã làm việc này.
Theo Infonet