Diện mạo nông thôn tại 5 huyện ngoại thành TP HCM đã thay đổi rõ rệt, như được khoác áo mới trên tất cả lĩnh vực. Hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, giao thông thông suốt.
“Góp chút sức thôi”
Đằng sau những con đường sạch đẹp, những công trình khang trang ở 5 huyện ngoại thành là nhiều câu chuyện cảm động của người dân nơi đây. Kẻ ít, người nhiều; kẻ “nhín” mấy trăm mét đất mặt tiền, người nhường mảnh đất sau nhà để mở đường, mở hẻm.
Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải tặng quà cho huyện Củ Chi khi huyện này được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Hỏi mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông (ngụ ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) đã “nhín” tổng cộng bao nhiêu đất để làm đường, mẹ nói: “Già rồi, đâu có nhớ hết. Chỉ biết từ ngày đất nước thống nhất tới giờ, lần nào xã mở đường, mở hẻm là bấy nhiêu lần tui “nhín” một ít đất. Lúc xích vô cái cổng, lúc dời hàng rào. Mấy đứa em, mấy đứa con tui cũng hiến đất mở đường, xây trường”.
Mẹ Nông kể mới đây, hai con của mẹ đã hiến 800m2 đất để làm đường. “Chỉ góp chút sức thôi. Mọi người ở đây cũng làm vậy, có gì đáng nói đâu” - mẹ Nông cười, hòa chung niềm vui huyện Củ Chi vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cách nhà mẹ Nông không xa, ông Nguyễn Văn Xẩu (ngụ ấp Lào Táo Thượng) cũng hiến 800m2 đất để làm đường. Ông còn vận động 5 hộ xung quanh hiến đất để mở con đường dài 800m. Số đất ông Xẩu cùng 5 hộ hiến lên đến hàng ngàn m2.
“Hiến đất bây giờ cũng giống trước đây đi làm cách mạng. Hồi ấy, nhà nhà làm cách mạng, nuôi bộ đội, tải thương, tải đạn, tải gạo... Còn giờ, nhà ai có đường đi qua thì góp thước đất” - ông Xẩu ví von.
Ở huyện Nhà Bè, bà Nguyễn Thị Sến (ngụ ấp 1, xã Phước Kiển) cũng hiến 2.000m2 đất để xây dựng khu thể dục thể thao công cộng. “Làm khu thể thao cho hàng xóm đến tập luyện, các cháu thiếu nhi có chỗ vui chơi sau khi học tập vất vả thì sao phải chần chừ, nghĩ ngợi?” - bà hào sảng.
Đánh giá về những nghĩa cử này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng từng nói có nhìn thấy giá trị của từng mét đất ở các huyện ngoại thành trong giai đoạn đang đô thị hóa thì mới thấu được cái tình, cái nghĩa của bà con. Ban Chỉ đạo của Thành ủy TP HCM về Chương trình Xây dựng nông thôn mới cho biết giai đoạn 2010-2015 (tính đến tháng 9-2015), có 19.650 hộ dân hiến 2.014.690m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy giá trị trên 1.455 tỉ đồng.
Lấy dân làm gốc
Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho người dân nông thôn. Đặc biệt, phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả”.
Theo ông Lê Thanh Hải, một trong những bài học xây dựng nông thôn mới mà TP HCM đúc kết chính là tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, lấy dân làm gốc; phải xác định chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới là người dân bởi sức mạnh trong dân là sức mạnh lớn nhất. Chủ trương này phát huy trong thực tiễn khi tôn trọng quyền làm chủ của dân, nhất là việc giám sát thực hiện theo phương châm “dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng”.
Nói về chuyện dân làm chủ, ông Trần Minh Đan (ngụ thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) phấn khởi: “TP đang xây dựng nông thôn mới vì người dân tại chỗ. Chúng tôi được làm chủ, cùng chính quyền xây dựng công trình và trực tiếp hưởng thành quả mình tạo ra nên mọi người tham gia với tinh thần tự giác cao”.
Theo ông Thái Quốc Dân, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn TP HCM, biểu hiện rõ nhất về sự thống nhất cao của người dân chung sức xây dựng nông thôn mới là tự nguyện hiến đất.
Không dừng ở đó, TP HCM còn phát huy vai trò của các ngành, các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều chương trình ký kết phối hợp, hỗ trợ, phong trào thi đua, cuộc vận động đã được triển khai thực hiện hiệu quả, như: Lực lượng Thanh niên xung phong chung sức xây dựng nông thôn mới, Thanh niên nông thôn lập nghiệp, Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, Xây dựng xã nông thôn mới…
TP HCM cũng huy động mọi nguồn lực tham gia ngay từ đầu trong xây dựng nông thôn mới. Minh chứng sinh động nhất là với 1 đồng vốn ngân sách TP HCM hỗ trợ đã huy động được 33 đồng vốn trong dân, cộng đồng, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thu nhập của người dân nông thôn tăng Theo Ban Chỉ đạo của Thành ủy TP HCM về Chương trình Xây dựng nông thôn mới, các huyện Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn đã được công nhận huyện nông thôn mới. Riêng về tiêu chí thu nhập, 52/56 xã đã đạt tiêu chí thu nhập trên 37 triệu đồng/người/năm (theo bộ tiêu chí của TP HCM), 4 xã còn lại thuộc huyện Cần Giờ đạt chuẩn trên 34 triệu đồng/người/năm (theo bộ tiêu chí quốc gia) và phấn đấu đạt tiêu chí của TP vào cuối năm 2015. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tại 56 xã xây dựng nông thôn mới từng bước nâng lên rõ rệt. Nếu năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là 15,72 triệu đồng/người/năm thì năm 2010 là 23,17 triệu đồng và năm 2014 là 39,72 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng ngày càng thu hẹp. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm - cao gấp 1,8 lần so với nông thôn thì năm 2010 chỉ còn cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 cao gấp 1,27 lần. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 5,8%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha canh tác từ 158,5 triệu/ha/năm năm 2010 đã nâng lên ở mức 325 triệu đồng vào năm 2014. |